Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết bệnh nhi được phẫu thuật sau khi chào đời một ngày. Trong khi mổ, các bác sĩ phát hiện khối cầu to cỡ trái cam sành này là toàn bộ lá gan của bé nằm ngoài ổ bụng. Gan bị thoát ra ngoài qua cuống rốn, đường kính 10 cm.
Theo bác sĩ Tầm, gan nằm ngoài bụng trong quá trình phát triển thai nên bị biến dạng thành hình cầu và thùy gan bên phải bị giảm sản nhỏ 1/3 bên trái. Bình thường gan bên phải to gấp đôi gan trái. Kíp mổ đã chuyển gan vào bụng đúng vị trí cho bé.
"Khó khăn đầu tiên là làm sao có đủ chỗ cho gan khi vào trong bụng mà không được căng kéo các mạch máu đến và đi từ gan, các ống dẫn mật của gan. Nếu không gan sẽ bị chết do thiếu máu và ứ mật rồi xơ gan", bác sĩ Tầm phân tích.
Trước thử thách này, các bác sĩ phải phẫu tích rất thận trọng và tỉ mỉ, thu gọn các tạng còn lại trong ổ bụng để nhường chỗ cho gan trở về. Sau 2 giờ căng thẳng, việc di chuyển gan vào ổ bụng mới hoàn tất. Kíp mổ khâu phục hồi lại thành bụng, kiểm tra áp lực ổ bụng, tuần hoàn và hô hấp ổn định cho bé. Hiện bệnh nhi hồi phục khá tốt, oxy máu 100%, tim mạch ổn, bú được sữa.
Video: Kỹ năng kỳ diệu cứu mạng trẻ sơ sinh khi bị ngã xuống nước
Theo bác sĩ Tầm, thoát vị gan rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Trong 25 năm hành nghề của ông, đây là trường hợp thứ 2. Để phòng tránh dị tật này cho con, các thai phụ cần giữ sức khỏe tốt, cẩn trọng trong ăn uống và thuốc men trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Bình luận