• Zalo

Khởi động dự án tái chế lon nhôm

Kinh tếThứ Năm, 16/06/2022 22:53:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hợp tác với các doanh nghiệp để khởi động dự án tái chế "Can to Can".

Ngày 16/6, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế tạo nhôm (Công ty TNHH TBC-Ball Việt Nam, Công ty TNHH UACJ, Công ty TNHH Anglo Asia và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam) đã ký kết, khởi động dự án tái chế lon nhôm tuần hoàn khép kín. Lon nhôm đã qua sử dụng sẽ được thu thập, xử lý và tái chế thành lon mới - "Can to Can".

Khởi động dự án tái chế lon nhôm - 1

Các đại diện ký kết hợp tác.

Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, đây là minh chứng thú vị cho mô hình kinh tế tuần hoàn. Một chiến lược có thể góp phần vào xây dựng mục tiêu của Việt Nam năm 2050 về việc trung hòa khí thải carbon.

"Với mục tiêu tái chế 650.000 tấn lon được thải ra, hy vọng dự án sẽ có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cũng như đông đảo người dân", ông Lý nhấn mạnh. 

Ông Amit Lahoti - Giám đốc cấp cao và Tổng Giám đốc châu Á về bao bì đồ uống Ball - cho hay: "Lon nhôm là sản phẩm tốt cho nền kinh tế tuần hoàn do nó có thể tái chế vô hạn. Nỗ lực chung trong chuỗi sản xuất bao bì nhôm này có thể đóng vai trò quan trọng và hữu ích cùng những nỗ lực chung của Việt Nam để tạo ra nền kinh tế tuần hoàn và bền vững".

Ông cũng nói thêm đây là dự án "độc nhất vô nhị" khi có sự kết hợp của 2 khung phát triển bền vững là bảo vệ sản xuất lẫn bảo vệ xã hội. Đây cũng là ví dụ điển hình nhất về nền kinh tế tuần hoàn. 

Dự án tái chế "Can to Can" tuần hoàn khép kín được thành lập để đáp ứng tiềm năng tái chế của lon đồng uống bằng nhôm đã qua sử dụng ở Đông Nam Á. Lon đã là hộp đựng đồ uống được tái chế rộng rãi nhất trên thế giới, ở mức 69% trên toàn cầu, 76% ở châu Âu, tăng lên 99% ở Đức.

Dự án nhằm mục đích tăng tỷ lệ tái chế lon tại Việt Nam, nâng cao mức độ của hàm lượng nhôm tái chế có sẵn và tạo ra nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc tái chế.

Dự án thí điểm đặt mục tiêu thu gom 620 tấn trong một năm, tương đương 50 triệu lon đã qua sử dụng tại TP.HCM để tái chế. Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam đang xử lý việc thu gom tại các nhà hàng, sau đó gửi đến Tập đoàn Anglo Asia (Thái Lan) để xử lý khử sơn và băm nhỏ. Từ đó, Công ty TNHH UACJ (Thái Lan) sẽ sản xuất tấm lon nhôm và cuối cùng gửi cho TBC-Ball để sản xuất thế hệ lon nhôm tiếp theo từ cùng một kim loại.

Ngọc Thanh
Bình luận
vtcnews.vn