Vietnam Airlines mất tới 2 thập kỷ để có chuyến bay quốc tế đầu tiên, Vietjet Air cũng mất tới 4 năm mới đưa được máy bay của mình lên bầu trời. Trong khi đó, Jetstar Pacific, Air Mekong, Indochina Airlines phải chật vật với những khó khăn tài chính trong những ngày đầu, mà đến nay 2 trong số đó đã phải ngừng hoạt động, một thì thua lỗ. Điều này cho thấy sự khốc liệt trong hoạt động hàng không tại thị trường Việt Nam.
“Ông lớn” mất 2 thập kỷ bay chuyến quốc tế đầu tiên
Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên hoạt động kinh doanh. Thành lập từ ngày 15/1/1956, đội bay của hãng chỉ gồm 5 chiếc mang số hiệu VN 198, VN 199 (loại Lisunov Li-2) và VN 200, VN 201,VN 202 (loại Aero-45).
Chưa tới một năm sau, ngày 2/9/1956, hãng cất cánh chuyến bay nội địa đầu tiên tuyến Hà Nội - Vinh - Đồng Hới. Tuy nhiên, phải mất tới 2 thập kỷ sau đó vào năm 1976, Vietnam Airlines mới cất cánh được chuyến bay quốc tế đầu tiên của mình tới Trung Quốc, tiếp theo là Viêng Chăn và Bangkok năm 1978. Trong giai đoạn này, hãng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua và thuê tàu bay, động cơ từ Mỹ do những lệnh cấm vận thương mại khi đó.
Đến tháng 4/1993, tên gọi Vietnam Airlines chính thức ra đời và đến ngày 27/5/1995, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam được thành lập trên cơ sở liên kết 20 doanh nghiệp Nhà nước cùng lĩnh vực, mà Vietnam Airlines là nòng cốt.
Đến nay, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không lớn nhất tại Việt Nam với việc khai thác 86 tàu bay (sở hữu 51 chiếc và đi thuê 35 chiếc). Với tổng tài sản lên tới 89.000 tỷ đồng, doanh thu hoạt động hàng không hàng năm cũng mang về cho tổng công ty trên 80.000 tỷ và lợi nhuận ròng trên 2.000 tỷ đồng.
Mất 4 năm để đưa máy bay lên bầu trời
Là một trong 2 hãng hàng không chiếm thị phần bay nội địa lớn nhất hiện nay, nhưng khởi đầu của Vietjet Air không mấy suôn sẻ khi mất tới 4 năm để cất cánh chuyến bay đầu tiên và hàng trăm tỷ đồng do trì hoãn hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, Vietjet chính thức được thành lập và cấp phép hoạt động từ cuối 2007 với 600 tỷ đồng vốn điều lệ, do 3 cổ đông chính là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và HDBank góp vốn. Thời điểm đó, Vietjet Air là hãng hàng không thứ 4 của Việt Nam, và là hãng hàng không tư nhân đầu tiên.
Theo kế hoạch ban đầu, Vietjet sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2008, nhưng do biến động giá dầu tăng cao nên hãng đã phải lùi kế hoạch cất cánh đến tháng 11/2009. Thế nhưng, tháng 6/2010, hãng này vẫn chưa thể cất cánh chuyến bay đầu tiên và phải tiếp tục hoãn đến tháng 10 cùng năm. Lý do được đưa ra là hãng cần có thời gian để giải quyết một số vấn đề phát sinh liên quan đến chuyện mua bán cổ phần, thương hiệu, nhân sự và đội bay... Đến tháng 12/2010, hãng một lần nữa xin hoãn thời điểm bay không xác định với lý do tranh chấp thương hiệu.
Cuối cùng đến tháng 12/2012, tròn 4 năm sau khi thành lập, Vietjet mới phát hành đợt vé đầu tiên và thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Tân Sơn Nhất đi Nội Bài.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện hãng hàng không này cho hay, ban đầu Vietjet định hình mình là một hãng hàng không cao cấp chứ không phải giá rẻ như hiện nay. Thậm chí, hãng đã tuyển chọn rất nhiều vị trí nhân sự cấp cao người nước ngoài, có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên, những trục trặc trong việc cất cánh chuyến bay đầu tiên đã khiến dự định của Vietjet tiêu tan.
“Thời điểm đó, công ty đã phải giải phóng hợp đồng lao động cho toàn bộ nhân sự cấp cao đã thuê từ trước đó, không bay được theo kế hoạch cũng khiến công ty thiệt hại hàng trăm tỷ đồng”, vị này chia sẻ.
Bay nhanh... rồi thua lỗ
Jetstar Pacific là một trong ba hãng hàng không còn hoạt động hiện nay, nhưng tình hình tài chính tại hãng này hiện cũng tương đối khó khăn với khoản lỗ lũy kế rất lớn.
Được thành lập từ tháng 4/1991 với vốn góp 40 tỷ đồng của 7 cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Giống Vietnam Airlines, Jetstar Pacific cũng chỉ mất chưa tới một năm để cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên.
Năm 1995, hãng đã được chuyển giao và trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines và sau đó phần vốn được chuyển cho SCIC nắm giữ. Năm 2007, tập đoàn Qantas của Australia đã mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược của hãng.
Đến tháng 2/2012, một lần nữa Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn nhất của Jestar Pacific khi tiếp nhận quyền đại diện 70% cổ phần từ SCIC.
Hoạt động kinh doanh của Jetstar ngày càng khó khăn và không thể mở rộng thị phần.
Theo báo cáo tài chính giai đoan 1/1 - 30/9/2016, hãng này đang lỗ lũy kế tới 3.658 tỷ đồng. Riêng, 9 tháng đầu năm 2016, Jetstar lỗ tổng cộng lên tới 346 tỷ đồng, sau khi có lãi 80,8 tỷ cùng kỳ năm 2015.
Chật vật câu chuyện tài chính sau bay
Thành lập từ năm 2009, Air Mekong cũng phải mất hơn một năm mới xin được giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và cất cánh chuyến bay đầu tiên vào ngày 9/10/2010.
Hãng này thuê 4 chiếc máy bay từ SkyWest Airlines, năm 2011, Air Mekong thực hiện 10.750 chuyến bay và 710.000 lượt khách. Tuy nhiên, khó khăn tài chính do thua lỗ trong kinh doanh đã khiến hãng phải ngừng bay từ tháng 2/2013 và đến đầu năm 2015 thì bị hủy bỏ giấy phép hoạt động.
Tương tự, hãng hàng không Đông Dương - Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Hùng Dũng cũng từng gặp rất nhiều khó khăn tài chính trong những ngày đầu hoạt động. Theo đó, hãng được thành lập từ tháng 5/2008 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. 7 tháng sau, hãng thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên xuất phát từ Tân Sơn Nhất đến Nội Bài và Đà Nẵng.
Nhưng chỉ sau một năm hoạt động, hãng gặp nhiều khó khăn tài chính do hoạt động thuê ướt (thuê cả máy bay và đội bay) tiêu tốn rất nhiều chi phí. Hãng kinh doanh thua lỗ và dần mất khả năng tài chính đã phải dừng hoạt động bay từ năm 2009.
Video: Khoang hạng nhất của hãng hàng không tốt nhất thế giới có gì?
Bình luận