Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng Hàng không VN-CTCP (ACV), Cảng HKQT Đà Nẵng là một trong 3 Cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước (sau Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cảng HKQT Nội Bài), và là cửa ngõ giao thông hàng không quốc tế quan trọng khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thống kê, năm 2019, Cảng HKQT Đà Nẵng phục vụ hơn 15,5 triệu lượt hành khách, hơn 98.700 lượt/chuyến bay cất hạ cánh, sản lượng hàng hóa đạt hơn 45.000 tấn, vượt quá công suất thiết kế của sân bay này.
Trong khi đó, theo Quyết định số 236/QĐ-TTg (ngày 23/2/2018) của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng HKQT Đà Nẵng có lượng hành khách thông qua cảng đạt 28 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 200.000 tấn/năm. Cảng HKQT Đà Nẵng được quy hoạch là Cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Ông Thanh cho hay, việc triển khai xây dựng “Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2 - Cảng HKQT Đà Nẵng” là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Cảng HKQT Đà Nẵng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đầu tư của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây nguyên; đồng thời thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong dự án xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin tại sân bay Đà Nẵng, sớm thi công các dự án che phủ bề mặt để tránh xói mòn, tái nhiễm dioxin tại khu vực này.
Cũng theo ông Thanh, dự án còn tái sử dụng 44.000m3 đất sau xử lý dioxin và 11.000m3 vật liệu LWIC là bê tông xốp đã được nghiền nhỏ thành các kích thước hạt rời, các khối CMU cần xử lý tại chỗ, không được mang đi nơi khác nhằm đảm bảo môi trường và tiết kiệm chi phí đầu tư dự án.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh, trong bối cảnh khai thác đã vượt quá công suất thiết kế, việc triển khai mở rộng sân đỗ Cảng HKQT Đà Nẵng rất cấp thiết, đồng thời dự án có ý nghĩa quan trọng chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025. Qua đó, góp phần phát triển, đồng bộ mạng lưới giao thông của thành phố. Đà Nẵng phối hợp các bộ ngành chức năng để tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án.
Đại tá Nguyễn Đức Toàn, Tổng giám đốc Tổng công ty ACC (nhà thầu dự án) cho hay, với kinh nghiệm triển khai các dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, năng lực tài chính, đơn vị đảm bảo tiến độ, chất lượng tại dự án theo các cam kết đã ký kết. Ngay sau lễ khởi công, các dây chuyền, mũi thi công của ACC sẽ đồng loạt triển khai.
Theo ông Lại Xuân Thanh, ACV cam kết quản lý tốt dự án, yêu cầu các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, đáp ứng tiến độ đưa dự án vào khai thác.
Ông Thanh cho hay, ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác 22 Cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 09 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không nội địa. Hiện, ACV tập trung đẩy nhanh các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm như: Dự án xây dựng mới Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 và sân đậu máy bay - Cảng HKQT Nội Bài; Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Phú Bài...
Cùng với dự án mở rộng sân đỗ Cảng HKQT Đà Nẵng, ACV đang triển khai nhiều dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại các Cảng hàng không có tần suất khai thác cao như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Liên Khương, Cát Bi, Vinh, Phú Bài; đặc biệt, tập trung tối đa nguồn lực để triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 ngay khi được Chính phủ giao làm chủ đầu tư Dự án.
Những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV luôn duy trì tốc độ phát triển cao và bền vững, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách. Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua Cảng của ACV đạt trên 116 triệu hành khách, sản lượng hàng hóa bưu kiện đạt 1,541 triệu tấn, sản lượng cất hạ cánh đạt 748.395 lượt/chuyến.
ACV tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn hàng không, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, năng động, hấp dẫn hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
“Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng” do ACV làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư khoảng 420 tỷ đồng. Sau 11 tháng thi công, dự án đưa vào khai thác, góp phần tăng vị trí đỗ máy bay của Sân bay quốc tế Đà Nẵng thêm thêm 4 vị trí đỗ máy bay code C và di chuyển 5 vị trí đỗ máy bay (đã được xây dựng trong giai đoạn 1) ra xa đường CHC 35R/17L; xây dựng mở rộng sân đỗ máy bay bằng bê tông xi măng cốt thép với diện tích 66.905m2, xây dựng lề vật liệu bê tông nhựa với diện tích 13.326 m2, xây dựng khu vực dải bảo hiểm với diện tích 19.796 m2.
Bình luận