Giữa dòng sông Tiền mênh mông, Cù lao Giêng với diện tích hơn 80km vuông hiện ra trước mắt với màu xanh mát của những vườn xoài ba màu tốt tươi, thơm mát và thấp thoáng những kiến trúc cổ trăm năm độc đáo.
Với ba xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, Cù lao Giêng được khai hoang từ đầu thế kỷ 18, được sông Tiền bồi đắp, đất đai màu mỡ, người dân hiền lành chất phác và sống yên bình, nơi đây có tiềm lực phát triển kinh tế vườn trù phú bậc nhất Nam Bộ.
Tuy nhiên, cũng vì được sông Tiền bao bọc, dọc ngang Cù lao Giêng là kênh rạch chằng chịt chia cắt. Đất đai màu mỡ nhưng hạ tầng giao thông đường bộ chưa hoàn thiện khiến đời sống người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, mà xoài ba màu vốn là đặc sản nổi tiếng ở xứ này.
Bà Phạm Thị Liễu, 53 tuổi tại ấp Tây Hạ, xã Mỹ Hiệp, làm nghề bán thực phẩm rong trên xe đẩy cho biết, nơi đây các cầu bê tông chủ yếu nằm trên trục lộ liên xã, còn lại giữa các ấp đa phần chỉ là cầu ván gỗ vừa nhỏ hẹp lại xiêu vẹo. “Nhiều buổi còn thịt cá, rau quả tôi muốn sang ấp khác bán mà cầu ván ọp ẹp, đi đường vòng thì xa cực quá nên tôi đành thôi”, bà Liễu cho hay.
Ông Mai Văn Nhựt Thanh, Phó Chủ tịch xã Mỹ Hiệp cho biết trong xã hiện có tổng số 34 cây cầu, trong đó cầu bê tông mới được 12 cây, còn lại 22 cây tạm bợ bằng ván gỗ khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, những khó khăn về đi lại của người dân như bà Liễu, những lo âu của chính quyền địa phương đã phần nào được tháo gỡ. Vừa qua Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nhãn hàng Trà Thanh nhiệt Dr Thanh đã chính thức khởi công cầu thép dây văng Dr Thanh – Lung Sen Dưới trong sự vui mừng của hàng ngàn hộ gia đình nơi đây.
Cầu Dr Thanh – Lung Sen Dưới nằm tại ngã ba kênh Lung Sen và kênh Mương Làng dài 27m, rộng 2,5m, có tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Cây cầu mở ra lối thông thương đi lại giữa ấp Tây Hạ và Đông Châu, qua ấp Trung về trung tâm xã và thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới cho gần 1.000 hộ dân sống quanh cầu và hàng trăm các em học sinh đến trường THCS và Tiểu học Mỹ Hiệp B mỗi ngày.
“Cây cầu nối liên thông 2 ấp, trục đường chính 2 bên cầu hiện nay rộng 2,5m đảm bảo cho xe tải nhỏ lưu thông. Khi cây cầu hoàn thiện sẽ phát huy được giá trị 2 tuyến đường này trong giao thương đi lại. Trước đây bà con vận chuyển hàng hóa bằng xe tải nhỏ phải đi vòng tới 10km mới ra được nơi tiêu thụ hàng hóa”, ông Thanh cho biết.
Trong niềm vui của hàng ngàn bà con tham dự lễ khởi công, ông Trần Văn Thịnh, 50 tuổi, làm vườn cười lớn nói, sự giúp đỡ của tập đoàn Tân Hiệp Phát khiến bà con mừng hết biết. Trước đây chúng tôi chỉ vận chuyển xoài bằng xe máy hoặc ghe vừa tốn kém lại mất thời gian thì giờ có thể nhanh chóng đưa hàng hóa, xoài thu hoạch bằng xe tải nhỏ ra thị trấn rất thuận tiện”.
Có thể hiểu được sự vui mừng của bà con trong lễ khởi công cầu, nhất là bà con ấp Tây Hạ, Đông Châu bởi cây cầu không chỉ cải thiện giao thương đi lại mà còn góp phần gia tăng giá trị nông sản miệt vườn cho bà con địa phương như ông Trần Văn Thịnh tâm sự: “Có cây cầu của tập đoàn Tân Hiệp Phát trao tặng, hệ thống giao thông thêm hoàn chỉnh, phân bón, trái xoài đều được vận chuyển bằng xe tải nhỏ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Đặc biệt thương lái có thể vào tận nhà vườn để định giá giúp trái cây của chúng tôi tăng thêm giá trị”.
Quả thực, kể từ khi có cầu Mỹ Luông nối liền với Cù lao Giêng và mới đây nhất khi khánh thành cầu Cao Lãnh đã mở ra cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế cho cả 1 vùng rộng lớn 2 bên bờ sông Tiền. Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu cố gắng hoàn thiện hạ tầng giao thông nội khu Cù lao Giêng, tiềm lực kinh tế của “Đệ nhất cù lao” này sẽ còn vươn cao và xa hơn nữa, không chỉ về kinh tế miệt vườn mà lĩnh vực du lịch sinh thái sẽ sớm đưa Cù lao Giêng thịnh vượng hơn nữa.
Đó cũng là động lực thôi thúc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nhãn hàng Trà Thanh nhiệt Dr Thanh tìm đến Cù lao Giêng để cùng bà con người dân và chính quyền địa phương nơi đây chung tay góp sức, đưa cù lao trù phú bậc nhất miền Tây Nam Bộ này sớm vươn lên như một hòn ngọc giữa dòng sông Tiền hiền hòa quanh năm xanh mướt.
Bình luận