Có lẽ, đấy là câu chuyện tình đẹp nhất ở bản Díu, đẹp nhất Thèn Phàng, đẹp nhất Xín Mần, và cũng là đẹp nhất Việt Nam mình… Đẹp đến mức, người trai đã thức trọn một tuần trăng, để làm nên khoảnh ruộng bậc thang hình trái tim, để bốn mùa, quanh năm suốt tháng, trái tim hiện hữu của tình yêu ấy, đơm hoa kết trái trên những bông lúa nặng trĩu…
1. Tôi cứ lấn bấn mãi mới quyết định bỏ phiên chợ một tuần mới họp một lần ở giữa trung tâm thị trấn Xín Mần để rẽ núi tìm đường vào Thèn Phàng, khi nghe đồng chí trưởng phòng văn hóa huyện Xín Mần, chị Nguyễn Thị Minh Lý, kể câu chuyện về anh trai người La Chí làm ruộng bậc thang hình trái tim dâng tặng người tình. Câu chuyện ấy, về sự lãng mạn, có thể không có gì khó hiểu, bởi tình yêu nó khiến con người ta làm được bất cứ chuyện gì, dù là ngông cuồng nhất. Điều duy nhất làm tôi băn khoăn, ấy là ở giữa vùng núi heo hút tột cùng hiểm trở của Tổ quốc, nơi con người từng ngày phải đối mặt với hạt ngô, hạt lúa, phải tìm từng giọt nước ở cái điểm thiếu nước nhất nước (huyện vùng núi Xín Mần, Hà Giang), mà lại có một anh chàng si tình đến độ như thế, thì quả là một sự hiếm hoi.
Với tôi, cái khoảnh ruộng bậc thang hình trái tim ấy, có lẽ sẽ dễ dàng hình dung và mường tượng được. Điều hối thúc tôi bỏ bát rượu ngô vàng nghiêng núi và thơm chung chiêng cả bước chân ngựa dọc con đường khúc khuỷu đá hộc và ổ voi, ổ gà, ấy là đi để xem mặt người trai đã kiên nhẫn và tài hoa đến độ, bắt đất cằn phải nở hoa dâng tặng người yêu…; để xem mặt người gái, làm rung động cả cây rừng mới khiến chàng trai bản phải bao đêm thao thức, mà nhủ lòng quyết tâm làm nên “kiệt tác”, khiến núi rừng cũng phải động lòng… Kiệt tác khiến núi rừng cũng phải rung động. Nếu lên Xín Mần mà không vào ruộng trái tim, thì quả là điều đáng tiếc!
2. Ngược trở lại con đường mà hôm qua phải đánh vật cả ngày đường, băng qua cây cầu treo độc đạo vào thủ phủ Xín Mần. Ngã ba heo hút, một mũi tên chỉ hướng lộn trở ra Hoàng Su Phì, một trỏ lối vào cửa khẩu Cốc Pài. Con đường ẩn hiện những sườn núi, ngầm mách bảo sẽ có những khúc cua bất ngờ với một bên thăm thẳm là vực sâu… Con sông Chảy nơi thượng nguồn, mới vào đầu mùa khô đã trơ lòng toàn đá hộc… Suốt chặng đường đi, cứ mỗi lúc ngã lòng, hình ảnh chiếc ruộng bậc thang trái tim bên suối và sương mù, lại hối thúc chiếc xe gằn lên những tiếng khô khốc để qua con dốc hiểm…
Người già ở Bản Díu cười hiền hậu: “Úi chà, cái ruộng trái tim ấy, nó là của thằng Tinh…”. Lặn lội tìm được nhà Tinh khi rừng đêm đã bắt đầu đóng cửa, một vài ngọn đèn sớm đã le lói qua những vuông cửa sổ bé tẹo từ những ngôi nhà đất nện tường trình dầy và óng lên một màu vàng của đất sét.
Tinh chưa về. Ngôi nhà hạnh phúc nằm ngay chỗ cua của con dốc vào trung tâm Thèn Phàng. Cháu bé chừng gần chục tuổi đang mải mê làm bữa tối. Thấy người lạ, nó nem nép bỏ vào trong bếp, vờ thổi đụn củi đang nhen nhén khiến ngọn lửa bùng lên, soi rõ mảng vách bếp đã kết đen óng bồ hóng lâu ngày…
Nhẩn nha ngoài vuông sân thì Tinh về. Tinh vừa đi thăm vạt ruộng chín sớm, để xem chừng nào thì ra đón lúa mang về ngủ bồ.
Hỏi chuyện về khoảnh ruộng bậc thang hình trái tim, Tinh cười như trẻ lại. Nụ cười nửa ngượng nghịu, nửa tự hào, nhưng không giấu giếm niềm hạnh phúc nơi đuôi con mắt…
3. Năm lên ba tuổi, đứa trẻ La Chí sống giữa Bản Díu đã mồ côi bố. Nhà có 6 anh chị em. Người mẹ góa bụa tần tảo nuôi các con. Tinh như cái cây rừng, cứ thế lớn lên, mạnh mẽ… Rồi, ngày qua, tháng qua, đứa bé Bản Díu năm xưa đã vụt trở thành người trai bản đẹp như con ngựa lúc đi rừng. Rồi, đến một ngày, trái tim của gã trai hiền lành ấy, bỗng đập rộn ràng khi gặp người con gái ở bản Pồ Cố có cái tên Sùng Thị Vẻ. Ngay cái gặp ban đầu, Tinh đã thầm thương trộm nhớ… Nhưng rồi, nghĩ đến thực tại, khi nhà vẫn nghèo, vẫn lo cái ăn từng ngày, Tinh lại nhủ mặt quay đi…
Khi ấy, Bản Díu còn hoang sơ vài chục nếp nhà. Ruộng len lỏi theo các sườn núi. Chỗ nào có nắng, có nước, dân bản lại cùi cụi vỡ đất, rồi dẫn nước về. Một mùa làm xong một bậc ruộng. Hai mùa, lại chồng tiếp được bậc ruộng thứ hai… Đến khi, đứng trên chót đỉnh núi nhìn xuống, những cái bậc ruộng ấy phải xòe ngón tay để đếm, thì cũng là lúc chàng trai La Chí của Bản Díu, không thể nén mãi mối tình thầm lặng với người con gái ở bản hàng xóm Pồ Cố…
Phát nương, làm rẫy, hạ cái cây khỏe nhất đứng nghễu nghện ở tít mép đồi, hay xếp đủ một hàng rào đá hộc thẳng thớm để ngăn con lợn không vào ủi cây trong vườn…, Tinh đều làm được. Thế mà, chạm mắt người con gái bản bên, Tinh như cái cây héo rũ vì không có nước…
Mối tình đơn phương ấy cứ ngấm ngầm lớn mãi. Tinh biết, Vẻ cũng đã hiểu lòng Tinh, chỉ đợi một đêm trăng sáng, nơi bờ suối đầu bản, Tinh cầm tay Vẻ, rồi thì thầm một điều…, như mà Tinh chưa làm được…
Ở Thèn Phàng, cái khoảnh ruộng quý như bát nước giữa con nóng nực. Còn quý hơn cả bát nước giữa con nóng nực. Bởi, một mùa phát cây, dẫy đất, nửa con trăng bắc ống bương, ống vầu dắt con nước từ mãi khe núi trên cáo tít về… Mùa thứ hai, đất mới mắt nước, đưa cái cuốc xuống, đất mới lật thân để cây lúa bén rễ, rồi mới ăn đời ở kiếp, mới thành khoảnh ruộng. Tinh nghĩ mãi, thao thức mấy đêm trăng. Mẹ hiểu lòng con trai, chỉ biết thở dài…
Rồi, đến một ngày, Bản Díu ngỡ ngàng, nơi khoảnh đồi của Tinh, trên chót cùng, một ô ruộng hình trái tim bỗng nở hoa cây lúa. Không quản bao công sức của người trai bản, đất cũng mở lòng…
Nơi khoảnh ruộng ấy, người đầu tiên gã trai hiền lành và nhút nhát ấy dẫn ra, là Sùng Thị Vẻ.
Câu chuyện ấy đã xảy ra cách đây cả chục năm có lẻ. Thế mà, nó vẫn truyền mãi, cho những đứa trẻ bản Díu bây giờ, khi đã bắt đầu biết hái hoa rừng cài lên tóc làm duyên, khi đứa trai chiều nào còn hồn nhiên ngồi trên lưng trâu cho tiếng mõ khua lóc cóc khiến lũ chó nhà thức giấc, ngu ngơ sủa vóng…, đã biết tinh tươm quần chùng áo dài, bần thần nhìn qua cửa nhà có cô gái đương tuổi thiếu nữ… Chúng bảo, đấy là ruộng tình yêu của chú Tinh, cô Vẻ!
Tinh cười bẽn lẽn: “Mình cũng không biết điều gì xui khiến. Cái tay cứ thấy thừa thãi, cái mắt cứ trốn nhìn mỗi khi gặp Vẻ. Rồi, bao đêm trằn trọc, mình ra cái nương nhà, làm khoảnh ruộng trái tim…”.
Bây giờ, Tinh và Vẻ đã có con lớn, đã về ở một nhà, ăn đời sống kiếp cùng nhau. Những vất vả cuộc sống, vẫn không làm tình yêu nơi họ già đi, mà dường như, nó vẫn nồng nàn như cái nhìn đầu tiên bên suối.
Buổi chiều miền biên viễn dường như dừng chậm hơn nơi khoảnh ruộng. Tia nắng rẻ quạt xé mây chiều nơi góc trời xám xịt, làm khoảnh ruộng bậc thang hình trái tim như bông hoa nở giữa núi rừng. Tinh ăn vận quần áo đẹp, bộ quần áo của người La Chí chỉ mặc trong những ngày quan trọng. Vẻ vấn lại tóc, mang sợi xà-tích bạc đeo vào chỗ eo con gái. Chị không quên mang chiếc ô xòe hoa đỏ, để dẫn chúng tôi ra ngắm mảnh ruộng se duyên tình yêu của hai người.Bây giờ, Tinh và Vẻ đã có con lớn, đã về ở một nhà, ăn đời sống kiếp cùng nhau...
Nơi khoảnh ruộng hình trái tim nằm ngủ, có một tảng đá bằng phẳng và đẹp đẽ đứng ngay mép đường. Tảng đá ấy, là nơi dừng chân của biết bao cặp trai gái trong bản, họ yêu nhau, dẫn nhau ra đứng trước khoảnh ruộng hình trái tim của Tinh và Vẻ, để ước mong một tình yêu lãng mạn và đẹp như tình yêu năm xưa.
4. Chuyện tình yêu của Sìn Văn Tinh và Sùng Thị Vẻ, người La Chí, thôn Bản Díu, xã Thèn Phàng. Khoảnh ruộng hình trái tim hạnh phúc. Những ruộng bậc thang như xòe hoa giữa những mỏm núi chợt hiện bên những thung lũng nơi tôi đi qua. Sùng Thị Vẻ, cô thôn nữ của bản Pồ Cố, sinh năm 1972, 10 năm về trước, đã xiêu lòng trước lời cầu hôn lãng mạn chưa từng có, của một gã trai si tình nhút nhát bậc nhất trái đất có tên Sìn Văn Tinh, có lẽ tôi chưa từng gặp bao giờ.
Lại lời của chị trưởng phòng văn hóa huyện: “Nếu lên Xín Mần mà không vào ruộng trái tim, thì quả là điều đáng tiếc…”.
Những ai một lần ngược ngàn cực Bắc, đều không khỏi mềm lòng trước những vạt ruộng bậc thang đùn ra từ những mỏm núi, như có ai đó thổi bong bóng xà phòng xếp hình theo ý muốn. Người ta đã không tiếc những cuộn phim để ghi lại những tấm hình. Đã có cả một quyết định phong tặng ruộng bậc thang là di sản văn hóa. Nhưng có lẽ, chưa có ai nghĩ rằng, người ta có thể bắt đất cằn nở trái tim để dâng tặng người yêu. Tồi đồ rằng, gã trai vụng về người La Chí, là kẻ si tình nhất cực bắc Tổ quốc. Tôi chắc chắn rằng, những chú trống choai lần đầu tiên đỏ mặt, và những kẻ đang yêu, đã yêu, và sẽ yêu, dù lãng mạn đến mấy, cũng chẳng thể lãng mạn bằng gã trai La Chí của Thèn Phàng…
Lại lẩn thẩn nghĩ về những kiểu “tỏ tình” gây “chấn động” giữa những giảng đường đại học, hay “lời tỏ tình” của gã trai nào đó làm tắc cả con đường trên cầu Long Biên khi họ cố gây sự chú ý bằng cách làm một cái gì đó giữa bãi Giữa sông Hồng mùa nước cạn… Chắc chắn, họ chưa một lần ngược núi đất Hà Giang, để biết rằng, có một câu chuyện tình yêu, giữa một mảnh đất khó nhọc và khô cằn như thế.
Nếu họ đến rồi, chắc chắn, họ sẽ hiểu, những việc làm của họ, chỉ là những hành động kỳ quặc, và đầy thô vụng!
Chưa ai có thể nghĩ, một “gã” trai bản si tình đến thế.
Chưa ai có thể hiểu, có người con gái nào hạnh phúc hơn cô thiếu nữ của bản Pồ Cố, 10 năm về trước…
Theo Di Linh (Đang yêu)
Cảm nhận của bạn về mối tình miền Tây Bắc này? Bạn đã từng gặp câu chuyện tình nào kì diệu, hiếm gặp, hãy chia sẻ với chúng tôi. Trân trọng cảm ơn!
Phuoc Minh - [email protected] - Tien Giang
Bài viết của bạn rất hay. Nhưng sẽ hay hơn nữa nếu đoạn kết của bài viết bạn đừng "phê bình" cách tỏ tình của những người khác....
"Hoa của rừng"
Đường Thế Bảo- Đại học GTVT cơ sở 2
Tình yêu của hai người đẹp quá. Đó là tình yêu chân thành của chàng trai và cô gái vùng núi Tây Bắc, nó đẹp và thắm hồng như hoa rừng, không rực rỡ khoe sắc nhưng nồng nàn chân tình. Tình yêu lãng mạn hơn mọi lời nói, là niềm mơ ước của các bạn trẻ ở chốn đô thị.
Ở đâu cũng có tình lãng mạn
Nguyễn Sỹ Quân - [email protected] - Văn Khê - Hà Nội
Một câu chuyện tình thật cảm động tại vùng cao khiến cho trái tim tôi xao xuyến. Ở nơi ấy họ đã sống một cuộc sống thanh bình,... chỉ hai người yêu nhau.
Nguyễn Lâm - Gia Lâm, Hà Nội
Ý tưởng thật độc đáo. Nhưng tôi nghĩ tác giả bài viết cũng không nên vì thế mà phê phán lối tỏ tình của các bạn trẻ ở thành phố. Tôi thấy họ đều là những người thật đáng ngưỡng mộ.
Bình luận