• Zalo

Khoảnh khắc đau xót của bác sĩ khi bất lực nhìn bệnh nhân bạch hầu qua đời

Tin tứcChủ Nhật, 05/07/2020 07:08:35 +07:00Google News

Nhìn A Phủ - bé trai mắcbệnh bạch hầu người Đăk Nông - yếu dần, các bác sĩ không đành lòng nhưng vô phương cứu chữa, bất lực nhìn em trút hơi thở cuối cùng.

Bé trai Giàng A Phủ, 13 tuổi, người H’Mông, quê Đăk Nông, qua đời chiều 3/7 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sau 18 ngày chống chọi với căn bệnh bạch hầu.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc trẻ em, người theo sát tình trạng bệnh của bệnh nhi, ngày 4/7 khi nhắc lại câu chuyện, vẫn chưa hết ưu tư.

Bác sĩ Quí cho biết bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM sáng sớm 26/6. Lúc này, em đã được mở nội khí quản, đặt máy thở hỗ trợ hô hấp và máy tạo nhịp tim. Bệnh nhi tỉnh táo, còn phản xạ đáp ứng khi bác sĩ kiểm tra.

Sau siêu âm tim và tiến hành hội chẩn, các bác sĩ nhận định độc tố bạch hầu đã phóng thích ồ ạt, bệnh ở giai đoạn biến chứng ác tính. Men tim bệnh nhân tăng cao nhanh, chức năng co bóp của thất trái giảm, cơ tim tổn thương nặng. Tiên lượng bệnh rất xấu, nguy cơ tử vong thường trực.

"Độc tố bạch hầu hấp thụ vào máu và phân tán khắp các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt, gắn chặt và phá hủy cơ tim bệnh nhân. Thuốc chỉ có tác dụng trung hòa độc tố trong máu, còn khi độc tố đã xâm lấn vào cơ tim thì không thể can thiệp được. Thực sự vô phương cứu chữa nếu tế bào cơ tim tổn thương quá nhiều", bác sĩ Quí cho biết.

Mặc dù biết trước kết quả xấu sẽ xảy ra, các bác sĩ vẫn không hề bỏ cuộc. Cả khoa Hồi sức Tích cực, không ai rời mắt khỏi em. Lúc nào cũng có người túc trực bên giường, theo dõi sát sao 24/24h.

Nhiều cuộc hội chẩn liên viện riêng về bệnh nhi diễn ra, cùng các chuyên gia tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1, nhằm trao đổi tình hình bệnh và điều chỉnh thuốc.

Bác sĩ kê thuốc an thần liều nhẹ, giúp em ngủ ngon, bớt đau đớn và giảm bớt áp lực hoạt động cho tim. Các loại máy móc hiện đại, những thuốc tốt nhất, mọi phương pháp hồi sức tích cực, đều được áp dụng với hi vọng, tổn thương tim không nặng thêm, giúp bệnh nhân qua được giai đoạn nguy kịch.

Nhưng mỗi ngày trôi qua, trái tim bé bỏng của em càng suy kiệt. Các kết quả cho thấy men tim tăng lên từng ngày vượt ngưỡng 25.000 pg/ml, huyết áp tụt sâu. Phân suất tống máu EF, tức chức năng bơm máu của tim chỉ còn 30-40% (ở người bình thường khoảng 6,3 ± 7%).

Các bác sĩ tăng liều thuốc vận mạch, trợ tim, duy trì huyết áp ổn định nhưng về sau, bệnh nhân không đáp ứng thuốc. Cơ tim nhão, độ co bóp giảm hẳn, nhịp tim rối loạn, máu không tuần hoàn. Chiều 3/7, em ra đi.

Khoảnh khắc đau xót của bác sĩ khi bất lực nhìn bệnh nhân bạch hầu qua đời - 1

Trong khi GIàng A Phủ được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, thì ở quê nhà Đăk Nông, anh trai của em (áo đỏ), 20 tuổi, được bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bạch hầu. (Ảnh: Trần Hóa)

Đây là trường hợp thứ hai chết vì bạch hầu ở Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay. Bé gái 9 tuổi, cũng người H’Mông, cùng ở huyện Đắk G'long, hàng xóm của A Phủ, qua đời trước đó ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, đêm 20/6.

Bệnh nhân này chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới khi đã ở giai đoạn cuối của bệnh bạch hầu ác tính. Kíp trực đêm làm mọi cách, nỗ lực hồi sức tích cực suốt hai giờ, mà không thể cứu. Em qua đời vì biến chứng tim, thận nặng.

"Làm ngành y, chứng kiến bệnh nhân hấp hối ngay trước mắt, mà không cách nào cứu được, chúng tôi ai cũng ám ảnh. Bệnh nhi còn quá bé bỏng, cảm giác lúc đó không nói nên lời", bác sĩ Quí chia sẻ.

Theo bác sĩ Quí, để hạn chế nguy cơ mắc và tử vong vì bạch hầu ác tính, người dân phải phòng ngừa chủ động bằng cách tiêm vaccine. Trẻ em tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm nhắc lại khi 5 tuổi. Người lớn 10 năm tiêm một lần.

Việc tiêm nhắc vaccine giúp tăng cường các kháng thể kháng độc tố bạch hầu bị suy giảm theo thời gian. Khi vi khuẩn bạch hầu tấn công, kháng thể trong cơ thể đủ mạnh để chống lại và trung hoà độc tố do vi trùng tiết ra.

Chuyên gia khuyến cáo, các triệu chứng bệnh bạch hầu rất rõ ràng nhưng dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua bởi nhiều năm nay, các ca mắc bệnh hiếm. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi kèm lẫn máu, họng có màng trắng đục thì người bệnh nên nghĩ đến bạch hầu đầu tiên và đi khám ngay.

Việc phát hiện và điều trị kịp thời đóng vai trò rất quan trọng. Trong vòng 24-48 tiếng sau khởi phát triệu chứng, độc tố bạch hầu chưa phóng thích ồ ạt, thì can thiệp bằng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và huyết thanh trung hòa độc tố sẽ phát huy tác dụng. Bệnh thuyên giảm dần, không xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Ngày 23/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã đưa chuyên gia tới hỗ trợ bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên điều trị các ca bạch hầu. Bệnh viện còn đề nghị Bộ Y tế xem xét cung cấp huyết thanh kháng độc tính SAD cho các đơn vị y tế. Đến nay, huyết thanh đã được cấp phát đầy đủ.

Dịch bạch hầu đang bùng phát ở một số tỉnh Tây Nguyên và ngày càng lan rộng. Trong tháng 6, tỉnh Đăk Nông ghi nhận 16 ca nhiễm bạch hầu, trong đó có hai ca tử vong. Tỉnh Kon Tum phát hiện 8 ca từ đầu năm đến nay. TP HCM ghi nhận một ca. Gia Lai ngày 4/7 ghi nhận một ca.

(Nguồn: vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Tin mới