• Zalo

'Khoảng 30% quà biếu có ẩn ý không lành mạnh”'

Thời sựThứ Ba, 17/02/2015 11:29:00 +07:00Google News

“Tôi nghĩ, có lẽ khoảng 30% quà biếu hàm chứa ẩn ý không lành mạnh…”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nhận định.

'Tôi nghĩ, có lẽ khoảng 30% quà biếu hàm chứa ẩn ý không lành mạnh…', PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nhận định.

Không dùng tiền ngân sách để làm quà biếu 

Quà biếu được xem như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, với ý nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự kính trọng, sự chia sẻ, thái độ ứng xử giữa con người với con người... Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, giá trị truyền thống tốt đẹp đó dần bị "biến dạng", thay vào đó là sự vụ lợi có chủ đích.

Xét ở góc độ khác, “quà biếu”, với giá trị vật chất lớn (tiền, hiện vật), phần nào trở thành gánh nặng của người tặng (biếu). Mặt khác, cũng không loại trừ việc người biếu quà để nịnh nọt, xin xỏ những thứ có lợi cho mình, thực hiện các hành vi không phù hợp với quy chuẩn đạo đức xã hội (dùng quà biếu để hối lộ xin việc, thăng quan, tiến chức…).

Vậy, "quà biếu" có phải là dấu hiệu của tội nhận đưa - nhận hối lộ?
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hôm 11/2 chia sẻ trên tờ Dân trí  ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) khẳng định, sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tặng quà, nhận quà Tết Nguyên đán 2015,  trái quy định…

Ông Đạt cho rằng, có trường hợp tặng quà biếu với ý đồ không lành mạnh: “Cho dù là tiền cá nhân đi nữa thì cũng không thể tặng quà có giá trị quá lớn so với thu nhập của mình. Ví dụ như lương một tháng có hơn 5 triệu thôi, không thể đi tặng hàng chục triệu được. Điều đó là vô lý. Lúc đó sẽ phải xem xét tới động cơ, nếu phát hiện việc tặng quà đó nhằm tác động để thời gian sắp tới được thăng quan tiến chức thì món quà đó có dấu hiệu của hối lộ rồi”.

Vị Cục trưởng Cục chống tham nhũng kiên quyết: “Dùng tiền ngân sách sai 1.000 đồng cũng có thể bị xử lý. Các cơ quan, đơn vị có thể làm việc, hợp tác với nhau cả năm trời nên dịp Tết này cũng muốn gặp gỡ để nói lời cảm ơn, nhưng chỉ có thể gặp nhau lì xì một chút theo truyền thống của dân tộc, chứ mang tiền cả chục triệu, mấy chục triệu để tặng (biếu) thì không được”.

“Có lẽ khoảng 30% quà biếu có ẩn ý…không lành mạnh”

Hôm 12/2, thể hiện quan điểm về vấn đề này, PGS.TS, Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng cho rằng: “Quà biếu còn được coi là công cụ dùng để chạy chọt này nọ. Thứ vật chất này có thể sẽ có tác dụng trong thời điểm tức thời, hoặc để duy trì các mối quan hệ cần thiết, mang tính “tiềm năng" cho những chuyện cần nhờ vả sau này”.
 PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng. Ảnh: NVCC
 “Tuy nhiên, không phải tất cả quà biếu đều xấu, nhưng có lẽ, theo tôi, khoảng 30% quà biếu có ẩn ý không lành mạnh. Một xã hội có nền quản trị kém, thang đánh giá về năng lực, đạo đức của con người lệch chuẩn, thì việc dùng tiền (quà biếu/tặng) để đạt được mục đích xin việc, thăng chức…là chuyện tương đối phổ biến” PGS.TS Đặng Ngọc Dinh đưa ra nhận định.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh đưa ra nguyên nhân: “ Đừng tưởng người ta muốn đưa quà biếu cho người khác, bởi thực tế có những người giỏi thực sự nhưng họ vẫn sợ không có chỗ đứng trong xã hội chỉ vì chuyện quan hệ, tiền bạc...nên họ mới phải làm thế. Tôi cho rằng nguyên nhân xuất phát từ thang đánh giá năng lực con người bị lệch chuẩn”.

“Hiện tượng biếu quà tết là để củng cố quan hệ là sự phản ánh tính không lành mạnh của hệ thống quản trị, chứ không phải người biếu quà tết ấy sẽ làm cho hệ thống không lành mạnh. Người biếu quà là một phản ánh xã hội, là "nạn nhân" của hệ thống quản lý yếu, làm phát sinh tiêu cực, đồng thời góp phần duy trì hệ thống sai lệch đó”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh phân tích.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng, để hạn chế tình trạng trên cần phải có sự thay đổi mang tính hệ thống: “ Đừng vội lạc quan cho rằng một thông tư, một nghị định, một phát biểu mang tính răn đe, có thể giải quyết được chuyện biếu quà tết không lành mạnh. Quan trọng là phải hoàn thiện các thang đánh giá về chuẩn mực đạo đức, về năng lực của con người một cách cụ thể, hoàn thiện việc phân công công việc một cách chuyên nghiệp thì khi đó, vấn đề quà biếu sẽ dần trở nên lành mạnh...”. 

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng ngày nay, khi con người dễ cụ thể hóa sự quan tâm và sự thương mến nhau bằng những gì mang tính cụ thể về vật chất, thì quà biếu lại là công cụ để thực hiện ý đồ cá nhân.

“Thực chất mà nói, không thể xóa nhòa những ý định rất tốt đẹp, những cảm xúc chân thành, những sự trân trọng và chân thành của con người dành cho con người trong ngày tết, ngày xuân… Nhưng cũng không thể quên thực tế rằng, một số cá nhân ngày nay lại lợi dụng dịp tết về để thực hiện mục tiêu “gửi gắm” những ý đồ, thực hiện việc đạt được mục tiêu xa – gần, hay trao gửi nợ nần nhằm hướng đến một sự vụ lợi nào đó…”

“Tôi cho rằng việc trả lại những giá trị chân thành của quà tặng là điều cần làm. Đó là việc chọn quà tặng mang ý nghĩa tinh thần và đạo đức – nhân phẩm ở cả người tặng và người nhận đều được đảm bảo… Có như thế mới giải quyết được vấn đề thay vì cứ nghĩ nhiều đến việc văn bản hay các quy định khác nhau…”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định 

“Con người có thể giữ mối quan hệ bằng sự chân thành mà không phải chỉ qua quà tặng… Đó thực sự là cách giữ hình ảnh của mình cũng như làm cho mình trở nên có đạo đức và chuyên nghiệp trong công việc và ứng xử thay vì cứ dính díu hay vướng víu bởi những món quà ràng buộc…”

PGS.TS Huỳnh Ngọc Sơn đưa ra giải pháp: “Xã hội hãy bắt bệnh quà tặng này bằng sự thay đổi cả một hệ thống đánh giá dựa trên chất lượng công việc. Từ việc tuyển dụng, làm việc, đánh giá, tưởng thưởng, cất nhắc, bổ nhiệm… đều dựa trên quy chuẩn thì quà tặng nếu có cũng không thể làm quá vai trò của nó… Mọi sự đều có bản lề thì không thể phá vỡ giới hạn dù quà tặng có được khai thác đi nữa… Chính bản lĩnh của một hệ thống và sự chắc chắn trong quá trình hoạt động sẽ loại dần “sức mạnh ngầm” của quà tặng nhân dịp lễ lộc – ngày xuân”.

Nguồn: Quốc Toản(Giáo Dục Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn