• Zalo

Khoán xe công: Vì sao thất bại thê thảm?

Thời sựThứ Năm, 31/10/2013 11:20:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nói về sự thất bại của đề án thí điểm khoán xe công khởi xướng từ năm 2006, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM có nhiều kiến giải.

(VTC News) –  Nói về sự thất bại của đề án thí điểm khoán xe công khởi xướng từ năm 2006, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM Nguyễn Minh Hoàng đã có nhiều kiến giải...

TP.HCM, Sài Gòn, xe công, quan chức, Trần Quốc Thuận, khoán, <a href='https://vtcnews.vn/oto-xe-may.31.0.html' >ô tô</a>.
Nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM Nguyễn Minh Hoàng. 
Liên quan đến việc vào năm 2006, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – ông Trần Quốc Thuận, người đầu tiên ủng hộ chủ trương thí điểm của Quốc hội trong việc khoán chi phí sử dụng xe ô tô công, trả xe được cấp, đi làm bằng xe ôm hay taxi, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM Nguyễn Minh Hoàng đánh giá: Đây là một chủ trương rất hay, đáng hoan nghênh.

Thế nhưng, theo ông Hoàng, sở dĩ chủ trương này đã thất bại, không thể đi vào thực tế do từ đó đến nay, cả Quốc hội và Chính phủ, vẫn chưa có một văn bản, Nghị quyết nào bắt buộc thực hiện, mà tất cả chỉ mới ở mức độ khuyến khích, nên ít ai để ý tới.

- Những bất cập của chủ trương này là gì, thưa ông?

Có nhiều bất cập như: Những người có tiêu chuẩn được đi xe công, có thể họ sẽ cảm thấy bất tiện khi phải đi taxi thay vì có xe, tài xế để đi giải quyết công việc ngay, hay như các cấp thấp hơn có thể số tiền khoán không có bao nhiêu, không đủ chi phí để họ đi lại trong một tháng thì sao.

Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất ở đây là cần phải quản lý thật chặt chẽ ở những người có tiêu chuẩn đi xe công, kiểm soát số km đừng để gây ra lãng phí, không được dùng xe công đi vào việc riêng như đi chùa, đi chợ, đi đám cưới, đám ma…

Chúng ta cần chỉ đạo nghiêm túc thực hiện tiết kiệm, không gây lãng phí.

- Đối với TP.HCM, một trong những TP lớn nhất nước, ông đánh giá như thế nào về tình trạng lãng phí sử dụng xe công?

Theo tôi đã đỡ hơn rất nhiều. Việc sử dụng xe công để đi chùa, đi chợ, đi vào việc riêng ở TP.HCM thực tế đã ít hơn trước nhiều lắm rồi. Vào những mùa lễ tết, hội hè ở TP.HCM hầu như rất hiếm thấy xe công đậu trước cửa chùa chiền.

Vai trò của báo chí, cơ quan truyền thông trong việc này tôi cho rằng cũng rất quan trọng. Đó là điều đáng mừng. Chứ vài năm trước đây dễ bắt gặp các xe biển xanh đi việc riêng ở TP.HCM lắm.

TP.HCM, Sài Gòn, xe công, quan chức, Trần Quốc Thuận, khoán, ô tô.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, phải sử dụng triệt để tiết kiệm xe công, không dùng vào mục đích cá nhân (ảnh minh họa) 

- Ông có nghĩ rằng nên khoán hẳn chi phí xe công đưa vào lương như ông Trần Quốc Thuận đề nghị không?

Theo tôi là không nên, vì còn nhiều bất cập lắm. Ví dụ như, tính toán số tiền như thế nào, có đủ chi phí cho họ đi trong một tháng hay không…

- TP.HCM đã thực hiện chế độ quản lý xe công như thế nào, thưa ông?

TP.HCM đã thực hiện từ rất lâu việc khoán xe công rồi. Tuy không phải là thực hiện khoán hẳn vào lương như anh Trần Quốc Thuận đề nghị, mà khoán hẳn chi phí hành chính từ rất lâu rồi.

Ngoài việc trang bị xe công tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, ai được trang bị xe, xe nào, giá trị bao nhiêu… đều có Sở Tài chính giám sát rất kĩ. Đồng thời, các chi phí hành chính như xăng xe, điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm… đều khoán hẳn mỗi tháng cho các đơn vị.

Nếu nơi nào dùng nhiều thì lợi nhuận sẽ giảm đi, đơn vị phải tự bỏ tiền ra trả phần dư ra. Còn dùng không hết thì đơn vị sẽ được lấy số tiền đó, đưa vào quỹ khen thưởng của cơ quan, hay dùng vào việc khác.

Chứ ai cũng mang xe công đi vào việc riêng, rồi sử dụng tài xế nữa, tốn xăng, gây ra nhiều lãng phí lắm. Cách làm như của TP.HCM theo tôi là hiệu quả, hợp lý hơn. Nhờ cách làm này mà mỗi năm, TP.HCM có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền cho ngân sách Nhà nước.

TP.HCM, Sài Gòn, xe công, quan chức, Trần Quốc Thuận, khoán, ô tô.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đã từng sử dụng xe đạp làm phương tiện đi làm. 

- Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đưa ra quy định cán cán bộ, lãnh đạo trong ngành cần thu xếp trước, đi công tác bằng vé máy bay giá rẻ, ông nghĩ thế nào về quy định này?

Tôi cho là quy định này đưa ra sẽ rất là tốt. Tôi nghĩ nên nhân rộng ra cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nữa cũng phải áp dụng.

Tại TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải đã đưa ra chủ trương, khuyến khích các cán bộ, công nhân viên của Sở một tuần đi làm phải có mấy ngày đi xe buýt. Lãnh đạo TP.HCM như nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cũng đã từng đi xe đạp tới chỗ làm cách đây vài năm.

Nói như thế để thấy, chủ trương này không những sẽ tiết kiệm tiền, mà còn đỡ gây kẹt xe, giảm khí thải… nên làm và cần phải nhân rộng ra nhiều nơi hơn nữa.

- Từng là một lãnh đạo của HĐND TP.HCM, ông có cho rằng quan chức sẽ bị ‘mất uy’ khi sử dụng phương tiện khác để đi lại, thay vì dùng xe công hay không?

Tôi khẳng định đánh giá này hoàn toàn không đúng. Quan chức có vị thế, có uy hay không là do đánh giá từ phía người dân, phẩm chất đạo đức, năng lực làm việc của mình, chứ không phải từ chiếc xe ô tô công. Nhiều người đi xe sang, nhưng có vi phạm thì vẫn bị cách chức bình thường.

Xe không quan trọng, không có giá trị để đánh giá cán bộ lãnh đạo.

- Nhằm hạn chế tối đa nhất tình trạng lãng phí trong sử dụng xe công tại TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung, ông có đề xuất giải pháp gì cho việc này?

Tôi nghĩ nên áp dụng mô hình khoán chi phí hành chính như TP.HCM. Việc khoán phải đi liền với kiểm tra, kiểm soát thật chặt chẽ, không gây lãng phí, phải triệt để tiết kiệm, chứ khoán mà không kiểm tra cũng chẳng có tác dụng.

Ngọc Trinh (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn