Các nước G7 ngày 13/6 đã nhất trí về kế hoạch cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD để giúp Kiev mua vũ khí và bắt đầu xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại. Động thái này diễn ra vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột, khi Nga đang có động lực trên chiến trường.
Dù vậy, các chi tiết cụ thể của thỏa thuận nói trên vẫn chưa rõ ràng: số tiền này sẽ được lấy từ đâu và sẽ được sử dụng vào mục đích gì?
Tiền sẽ đến từ đâu?
Số tiền cho khoản vay sẽ đến từ Mỹ, Liên minh Châu Âu và các nước G7 khác, mặc dù chi tiết về khoản đóng góp của mỗi bên vẫn đang được tính toán.
Ý tưởng của thỏa thuận là sử dụng gần 300 tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài bị đóng băng sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, làm cơ sở cho khoản vay.
Khoản vay nói trên sẽ được hoàn trả theo thời gian bằng lợi nhuận thu được từ những tài sản bị đóng băng của Nga. Khoảng 2/3 trong số đó là ở châu Âu.
Nhiều tài sản ở dạng trái phiếu đã đáo hạn, tạo ra lợi nhuận từ 3 - 4 tỷ USD một năm, tùy thuộc vào lãi suất. Con số này tương đối nhỏ so với nhu cầu của Ukraine. Do đó, thay vì chỉ cung cấp cho Ukraine số tiền hàng năm đó, các nước G7 đã đồng ý về khoản vay với số tiền lớn hơn.
Nhu cầu tài chính và quân sự hiện tại của Ukraine ước tính khoảng 100 tỷ USD mỗi năm.
Những quốc gia nào sẽ đóng góp?
Các nước G7 đã nhất trí ở cấp lãnh đạo về việc đóng góp tiền cho khoản vay.
Mỹ nói rằng họ có thể đóng góp toàn bộ số tiền nhưng muốn các nước khác cùng tham gia.
Theo một quan chức cấp cao của châu Âu, tất cả những vấn đề này vẫn đang được thảo luận nhưng hiện tại, Liên minh châu Âu đã sẵn sàng chi một nửa, khoảng 25 - 30 tỷ USD. Số tiền này sẽ được lấy từ ngân sách hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu. Phần còn lại là của Mỹ và những nước khác.
Do phần lớn tài sản bị đóng băng của Nga là ở châu Âu, nên EU muốn đảm bảo rằng, khi họ chi ra số tiền trên, các công ty châu Âu sẽ nhận được lợi ích tương xứng, đặc biệt là các nhà sản xuất vũ khí châu Âu.
Anh, Canada và Nhật Bản, tất cả các nước G7, cũng cho biết họ sẵn sàng đóng góp.
Ukraine sẽ là bên thụ hưởng lợi nhuận từ tài sản của Nga và sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
Nói cách khác, các nước phương Tây sẽ đứng ra cho Ukraine vay tiền, và lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga sẽ được dùng để hoàn trả khoản vay và Kiev sẽ không phải trả nợ.
Điều gì xảy ra nếu lãi suất giảm?
Một trong những vấn đề quan trọng là ai chịu trách nhiệm về khoản vay nếu lãi suất giảm hoặc nếu đột nhiên có một thỏa thuận hòa bình dẫn tới việc tài sản của Nga được “rã băng”. Điều này có vẻ khó xảy ra, vì trước đó G7 đã nhất trí rằng số tài sản này sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột.
Số tiền cần thiết để tái thiết Ukraine ít nhất gấp đôi quy mô tài sản bị đóng băng của Nga và con số sẽ còn tăng lên khi xung đột tiếp diễn, nên khó có khả năng Nga sẽ lấy lại được những tài sản đó.
Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ đảm bảo cho khoản vay nói trên. Theo hai quan chức châu Âu thân cận với cuộc đàm phán, trách nhiệm pháp lý dự kiến được chia sẻ giữa các nước đóng góp cho khoản vay này.
Số tiền này sẽ được sử dụng vào mục đích gì?
Các quan chức cho biết khoản vay sẽ được chuyển đến Ukraine theo nhiều hình thức giải ngân khác nhau vào cuối năm nay và sẽ được dành cho 3 mục đích chính: hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, bao gồm giúp nước này thành lập các nhà máy sản xuất vũ khí trên lãnh thổ Ukraine; bù đắp thâm hụt ngân sách của Ukraine; hỗ trợ việc tái thiết khẩn cấp cơ sở hạ tầng.
Việc giải ngân sẽ phụ thuộc một phần vào hiệu quả sử dụng tiền của Ukraine.
Tuy nhiên, tiền sẽ được giải ngân như thế nào và thông qua cơ quan nào vẫn đang được thảo luận. Ngân hàng Thế giới (WB) có thể sẽ tham gia vào việc này.
Nigel Gould-Davies, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có được tự quyết định cách sử dụng tiền hay không, hay điều đó sẽ được chỉ định sẵn?
“Có rất nhiều chi tiết mà chúng ta chưa biết”, ông Gould-Davies nói đồng thời lưu ý rằng ông ủng hộ việc tịch thu tài sản trực tiếp hơn vì như vậy sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, một số quốc gia và các thống đốc ngân hàng trung ương, trong đó có bà Christine Lagarde, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã bác bỏ giải pháp như vậy vì lo ngại nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Theo ông Gould-Davies, kế hoạch hiện tại không tối ưu bằng việc tịch thu toàn bộ tài sản của Nga. Việc cấp một khoản vay cho Ukraine dựa trên số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa tương đối phức tạp và đòi hỏi quá trình xử lý tài chính lắt léo mà việc thu giữ sẽ không cần đến.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc G7 nhất trí về một khoản vay cho Ukraine dựa trên tài sản Nga là kết quả này vượt mong đợi.
Bình luận