Phát biểu với báo giới, ông Sullivan nêu rõ Tổng thống Biden có thể sẽ đề xuất các biện pháp cải tổ HĐBA LHQ riêng với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và các quan chức khác, hoặc đề xuất công khai. Theo ông Sullivan, khả năng Tổng thống Biden sẽ nêu vấn đề cải tổ LHQ trong thời gian diễn ra khóa họp của Đại hội đồng LHQ.
Vấn đề cải tổ HĐBA LHQ thường được nêu ra mỗi khi thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Trong HĐBA gồm 15 thành viên, các ủy viên thường trực gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc giữ quyền phủ quyết, cho phép họ ngăn chặn việc thông qua bất kỳ nghị quyết nào. Nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng HĐBA LHQ nhằm tăng cường tính đại diện công bằng giữa các khu vực, nhất là nhóm châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh và các nước đang phát triển.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng kêu gọi cải tổ HĐBA LHQ, đồng thời thúc giục thế giới tái khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ở New York, Thủ tướng Kishida kêu gọi thảo luận các bước đi cụ thể nhằm cải tổ HĐBA LHQ. Ông Kishida cũng thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tận dụng Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về Tương lai, dự kiến diễn ra năm 2024, để khởi động các cuộc thảo luận toàn diện về cải tổ LHQ. Theo ông, giờ là thời điểm quay lại với các ý tưởng và nguyên tắc trong Hiến chương và “tập hợp sức mạnh và sự uyên bác của chúng ta để đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Nhật Bản từ lâu đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên thường trực của HĐBA LHQ sau khi cải tổ. Tháng 6 năm nay, Tokyo đã được bầu làm thành viên không thường trực của cơ quan này lần thứ 12. Nhiệm kỳ của Nhật Bản sẽ kéo dài 2 năm, bắt đầu từ tháng 1/2023.
Bình luận