Mưa sao băng Quadrantids (3-4/1)
Quadrantids là trận mưa sao băng mức trung bình, tần suất lên tới 40 vệt mỗi giờ tại cực điểm. Trận mưa sao băng này được cho là bắt nguồn từ bụi tàn dư của sao chổi 2003 EH1, phát hiện năm 2003.
Quadrantids thường xuất hiện hằng năm từ ngày 1 đến 5/1. Năm nay trận mưa sao băng này rơi vào đêm mùng 3, rạng sáng mùng 4.
Trăng lưỡi liềm mỏng không gây trở ngại cho việc quan sát. Thời gian tốt nhất để ngắm mưa sao băng này là sau nửa đêm, tại khu vực tối, thoáng đãng. Người xem nên hướng về tâm điểm là chòm sao Bootes, nhưng vẫn có thể hiện ra ở bất cứ vị trí nào trên bầu trời.
Nhật thực một phần (6/1)
Ngày 6/1, người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực một phần. Hiện tượng này diễn ra khi Mặt Trăng che mất một phần của Mặt Trời, khiến nó đôi lúc trông như chiếc bánh hình tròn bị cắn một góc.
Chuyên gia khuyên nếu muốn quan sát an toàn thì mọi người cần sử dụng kính lọc Mặt Trời hoặc nhìn gián tiếp qua hình ảnh phản chiếu của Mặt Trời.
Nhật thực một phần lần này có thể quan sát được ở khu vực Đông Á và bắc Thái Bình Dương. Địa điểm quan sát tốt nhất là vùng đông bắc nước Nga, với tỉ lệ che phủ đạt 62%. Việt Nam không thể quan sát được lần nhật thực này.
Trăng tròn, Siêu trăng (21/1)
Mặt Trăng sẽ ở vị trí đối diện với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và phần hướng về Trái Đất của nó sẽ được chiếu sáng toàn bộ.
Các bộ lạc da đỏ ở Mỹ gọi sự kiện này là "Trăng Sói" bởi thời gian này trong năm là lúc những đàn sói đói mồi tru bên ngoài lều của họ. Lần trăng tròn này cũng còn được biết tới là Trăng Già hay Trăng sau Lễ Yule (lễ hội mùa đông ở Bắc Âu trước đây, ngày nay được đồng nhất với lễ Giáng sinh).
Đây cũng là Siêu trăng đầu tiên trong số tất cả ba lần Siêu trăng của năm 2019. Mặt Trăng sẽ tiến gần đến Trái Đất nhất, trông lớn hơn và sáng hơn một chút so với bình thường.
Nguyệt thực toàn phần (21/1)
Đêm 20, rạng ngày 21. cùng với "Trăng Sói" thì một hiện tượng khác diễn ra là nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra.
Nguyệt thực toàn phần diễn ra khi Mặt Trăng hoàn toàn đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Trong suốt quá trình diễn ra nguyệt thực, Mặt Trăng sẽ dần dần trở nên tối đi rồi chuyển sang màu đỏ như kim loại gỉ hoặc màu đỏ máu.
Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, ánh sáng đỏ từ Mặt Trời đi xuyên qua bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất đến Mặt Trăng khiến cho Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng đỏ gây ra hiện tượng Mặt Trăng có màu đỏ tối, thường được gọi là trăng máu.
Hiện tượng này sẽ quan sát được từ hầu hết châu Mỹ, phía đông Thái Bình Dương, phía tây Đại Tây Dương, đặc biệt là phía tây châu Âu và Châu Phi. Ở Việt Nam không thể quan sát được lần nguyệt thực này.
Giao hội giữa Sao Kim và Sao Mộc (22/1)
Hai hành tinh này cùng tỏa sáng chỉ cách nhau 2,4 độ trên bầu trời lúc sáng sớm. Hãy tìm kiếm cảnh tượng ấn tượng này ở phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.
Bình luận