• Zalo

Khoa học chứng minh: Xem TV khi ăn cơm khiến bạn ăn nhiều hơn bình thường

Đời sốngThứ Hai, 13/11/2017 13:00:00 +07:00Google News

Ngoài ra, thói quen này không chỉ khiến bữa ăn trở nên mất ngon mà còn mang lại nhiều tác hại không tốt cho sức khỏe.

Ăn tuy là một hành động bản năng của con người nhưng ăn gì và tiêu hóa như thế nào lại là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Ăn không chỉ là quá trình nạp chất dinh dưỡng mà còn là sự phối hợp của nhiều hoạt động như nhai, nuốt, hưởng thụ hương vị…Cho nên, chúng ta nhất định phải hình thành thói quen chuyên tâm khi ăn, nhất là trẻ nhỏ. Vừa xem TV vừa ăn cơm là thói quen không lành mạnh vì các lý do sau đây.

1. Khiến chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn mức cần thiết

Vừa ăn vừa xem TV khiến não bộ bị phân tâm, do vậy mà chúng ta khó kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể khi cứ mải mê nhìn vào màn hình. Điều này có thể khiến bạn ăn nhiều hơn mức bình thường nữa đấy.

Một lý do khác khiến bạn không nên xem TV, smartphone khi ăn là nó có thể làm bạn tập trung vào số lượng nhiều hơn chất lượng. Bạn cũng có xu hướng ăn nhiều đồ ăn vặt, đồ ăn đóng gói chứa nhiều calo hơn. Một nghiên cứu do International Journal of Communication and Health công bố cũng đã khẳng định rằng, những người xem TV quá nhiều thường nghiện đồ ăn vặt.

2. Làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn uống khi xem TV khiến trẻ nhỏ và người trưởng thành có nguy cơ béo phì. Lý do là bởi, hành động ngồi trước TV nhiều giờ đồng hồ làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến chất béo tích tụ ở bụng nhiều lên và gây nguy cơ béo phì.

3. Mất đi cảm giác ngon miệng

Ngồi trước TV ăn uống cũng giống như việc đưa thức ăn vào một cái máy mà không có cảm giác. Bởi việc vừa ăn vừa xem TV sẽ làm cảm giác ngon miệng bị giảm sút do não bộ quá tập trung vào việc nhìn màn hình. Do vậy khi đã ăn quá nhiều nhưng cuối cùng chúng ta vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Nên vào cuối ngày, bạn sẽ thấy đói và có xu hướng ăn nhiều hơn.

4. Đau và viêm loét dạ dày

Vừa ăn vừa xem TV có thể khiến chúng ta ăn quá nhanh, làm cho dạ dày phải hoạt động quá sức, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.

Thói quen không tốt này cũng sẽ làm một phần lớn máu được đưa về não nên không thể hỗ trợ dạ dày tiêu hóa được. Lúc này, thức ăn lâu tiêu hóa hơn sẽ khiến các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở gây bệnh dạ dày. Hơn nữa, dạ dày làm việc quá sức thường xuyên cũng dễ suy yếu và sinh bệnh nhanh hơn. Đặc biệt với những người đang bị bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày không nên duy trì thói quen này.

5. Trí nhớ giảm sút

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch chỉ ra rằng, vừa xem TV vừa ăn cơm sẽ làm não bộ sản sinh ra chất levodopa, khiến tinh thần không tỉnh táo. Ngoài ra, thói quen này cũng khiến não bộ gửi 2 tin tức đến các bộ phận khác nhau, nên không thể tổ chức các sự kiện lại, từ đó khiến cho trí nhớ bị rối loạn. Lâu ngày sẽ khiến chúng ta có nguy cơ đờ đẫn.

Sau môt ngày làm việc vất vả bên ngoài, giờ ăn cơm chính là khoảng thời gian vô giá để các thành viên gắn kết với nhau hơn. Các gia đình nên tắt TV và các thiết bị điện tử để tập trung trò chuyện với nhau. Điều này không chỉ giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn mà còn giúp các thành viên ăn ngon miệng và gắn kết. Đây cũng là một trong những thói quen tốt cần rèn luyện đối với con trẻ các mẹ nhé.

Cô Tấm
Bình luận
vtcnews.vn