• Zalo

Khó xử lý quảng cáo sai sự thật vì vướng pháp lý?

Kinh tếThứ Hai, 15/11/2010 10:31:00 +07:00Google News

Dù đã có quy định cấm quảng cáo lừa người tiêu dùng, song thế nào là 'lừa' và đánh lừa đến mức nào thì chưa có quy định cụ thể...

Dù đã có quy định cấm quảng cáo lừa người tiêu dùng, song thế nào là  'lừa' và đánh lừa đến mức nào thì chưa có quy định cụ thể,  khiến cơ quan chức năng thiếu cơ sở xử lý.


Theo TS Đoàn Phương, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas): "Chỉ cần bật tivi hay mở trang báo ra là vô vàn quảng cáo với rất nhiều thông tin, khiến người tiêu dùng không biết đường nào mà lần. Thông thường, họ nói không đúng sự thật, như sữa chẳng hạn, chỉ có mấy thành phần chính nhưng quảng cáo cho thêm chất nọ chất kia. Chưa kể nhà sản xuất, phân phối còn tự ý nâng giá gấp 3 - 4 lần".

"Về việc này, chúng tôi cũng làm việc với các bộ, ngành về việc quản lý thông tin quảng cáo, tuy nhiên hiện việc quản lý thông tin quảng cáo đang rất hổng. Mặc dù đã có quy định cấm quảng cáo sai, đánh lừa người tiêu dùng nhưng cụ thể thế nào là đánh lừa, đánh lừa đến mức nào thì chưa có quy định cụ thể, thiếu cơ sở để xử. Chúng tôi cũng nhiều lần làm việc với cơ quan liên quan để có thể khởi kiện một số vụ việc điển hình để răn đe, nhất là trong lĩnh vực mỹ phẩm… nhưng chưa thể tiến hành", ông Phương nói.

Vì sao vậy, thưa ông?

Hội chỉ có thể đi khảo sát, nhưng kinh phí ở đâu ra? Chỉ khi nào kiếm được tiền và có nghi vấn về một mặt hàng nào đó, chúng tôi mới tiến hành khảo sát, tối đa lấy vào 30 - 40 mẫu, với mỗi mẫu mất từ 1 đến vài triệu đồng. Với số tiền đến hàng trăm triệu mới đủ đánh động đến cơ quan quản lý nhà nước rằng “chúng tôi khảo sát như vậy, anh điều tra xem có đúng hay không?”. Nếu không, chúng tôi sẽ tiến hành họp báo công bố rộng rãi. Hầu hết họ đều làm, nhưng rất chậm với nhiều lý do như quản lý rộng, lực lượng mỏng…

Nhiều loại sữa bột được quảng cáo "khống" là cho thêm nhiều thành phần dinh dưỡng.  

Nhiều trường hợp do giá trị hàng hóa không lớn nên người tiêu dùng ngại khởi kiện hoặc theo đuổi đến cùng, nhưng tác hại đến xã hội rất lớn như xăng pha acetone, nước mắm có chứa chất 3-MPCD… Trong trường hợp đó Hội có thể đại diện khởi kiện các doanh nghiệp làm ăn gian dối?

Không làm nổi! Trước đây tại TP.HCM có một trường hợp một luật sư sẵn sàng thay mặt người tiêu dùng để khởi kiện. Nhưng khi đặt vấn đề với tòa án thì ngay lập tức họ đòi án phí rất lớn mà Hội không thể đáp ứng nổi. Bản thân vị luật sư cũng không có tiền nộp án phí để đưa vụ việc kiện ra tòa. Ngoài ra còn những vụ việc như xăng pha acetone gây hại cho hàng triệu xe máy… Thời điểm đó cũng có một số luật sư muốn cộng tác với chúng tôi để khởi kiện, nhưng đến nửa chừng cũng thấy bất lực, không thể làm nổi vì một loạt những đòi hỏi về mặt pháp lý.

Nhưng theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tổ chức chính trị, xã hội có thể đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện và có những trường hợp được miễn án phí…?

Đó mới chỉ là dự thảo và không biết có sửa nữa không. Chúng tôi cũng mong muốn những tổ chức chính trị xã hội có thể đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện. Nhưng có những trường hợp không thể đại diện vì tòa án đòi mức án phí rất cao, tùy theo lượng mặt hàng doanh và mức thiệt hại do người tiêu dùng đòi. Hiện, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định có những trường hợp được miễn án phí, nhưng tôi không biết hướng xử lý cuối cùng có được như vậy không. Tôi hy vọng điều đó được thông qua để chúng ta có thể bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Có ý kiến cho rằng người tiêu dùng vẫn ngại khiếu kiện vì e ngại năng lực giải quyết của cơ quan chức năng và cả tổ chức bảo vệ quyền lợi cho họ. Ông nghĩ sao?

Không hẳn vậy. Tính chung cả nước năm 2009 có khoảng vài nghìn vụ. Cứ tính 38 văn phòng Hội tiếp nhận khoảng gần 100 đơn khiếu nại, riêng hai Văn phòng Vinastas tại Hà Nội và TP.HCM tiếp nhận hơn 310 hồ sơ khiếu nại của người tiêu dùng. Tuy vậy, theo tôi vẫn là quá ít vì gần như ngày nào cũng có người bị mắc mớ với hàng hóa, hàng hóa bị lỗi. Điều này có thể do người tiêu dùng thiếu thông tin, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, không biết phải tìm kiếm sự trợ giúp như thế nào, hoặc không tin tưởng vào năng lực giải quyết của các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng v.v... Trong số các hồ sơ khiếu nại, khoảng 90% vụ việc được giải quyết thành công, đòi được quyền lợi cho người tiêu dùng, nhưng mất rất nhiều thời gian.

Còn những vụ chưa được giải quyết, theo ông, nguyên nhân từ đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn khi người tiêu dùng đi mua sơ suất không có chứng cứ, bị doanh nghiệp, nhà phân phối chối bay. Thứ hai là nhiều trường hợp người mua hàng ở ngoài đường thì đành chịu. Với những trường hợp đầy đủ chứng cứ hoặc hóa đơn mua hàng, thông thường họ đều đền bù tương đối thỏa đáng.


Theo Báo Đất Việt


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn