• Zalo

Kho vũ khí Triều Tiên có những loại tên lửa nào?

Thế giớiChủ Nhật, 15/04/2012 10:15:00 +07:00Google News

Triều Tiên được tin là đang sở hữu hơn 1.000 tên lửa khác nhau trong đó có cả những loại tên lửa liên lục địa tầm xa có khả năng vươn tới Mỹ.

Triều Tiên được tin là đang sở hữu hơn 1.000 tên lửa khác nhau trong đó có cả những loại tên lửa liên lục địa tầm xa mà một ngày nào đó, chúng sẽ đủ khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ.

Chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng được triển khai trong những thập kỉ cuối của thế kỉ 20. Trong những năm 60 – 70, Triều Tiên chú trọng phát triển loại tên lửa tầm ngắn đủ khả năng tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sang thập niên 80 – 90, Triều Tiên bắt đầu phát triển loại tên lửa tầm trung có khả năng bắn xa hơn. Hiện tại, hệ thống tên lửa tầm xa có phạm vi hoạt động lớn đang được các nhà khoa học quốc phòng Bình Nhưỡng nghiên cứu chế tạo.
Tầm tấn công của các loại tên lửa mà Triều Tiên đang sở hữu. 

Trong khi đó, Hội đồng Quan hệ đối ngoại, một tổ chức độc lập cho rằng, một số tên lửa của Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đang phát triển loại tên lửa như vậy. Các loại tên lửa của Triều Tiên chủ yếu được phát triển từ tên lửa Scud do Liên Xô cũ sản xuất và xuất khẩu.

Những tên lửa chiến thuật đầu tiên mà Triều Tiên sở hữu là vào năm 1969. Tuy nhiên, những tên lửa Scud đầu tiên tới Bình Nhưỡng thông qua Ai Cập vào năm 1976.

Đến năm 1984, Triều Tiên xây dựng thành công phiên bản tên lửa Scud của riêng mình với tên gọi Hwasong-5 và Hwasong-6 cũng như loại tên lửa tầm trung Nodong. Tên lửa mới nhất mà Triều Tiên sở hữu chính là Taepodong với khả năng bắn xa hơn cũng như những công nghệ đẩy hiện đại hơn.
Kích cỡ các loại tên lửa trong kho vũ khí của Triều Tiên 

Trong năm 2006 và 2009, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm loại tên lửa Taepodong 2 với tầm bắn lên tới hàng dặm. Tuy nhiên, cả hai vụ thử nghiệm loại tên lửa này của Triều Tiên đều được báo cáo là thất bại.
Bản đồ bố trí phòng vệ của Hàn Quốc và Triều Tiên 

Ngoài ra, Triều Tiên còn đang sử hữu loại tên lửa tầm ngắn KN-02 với tầm bắn 120 km, đủ khả năng tấn công các mục tiêu quân sự của quốc gia láng giềng Hàn Quốc. Tuy nhiên, những loại pháo kích thông thường của Triều Tiên cũng có thể bắn tới các căn cứ quân sự nằm trên nhiều khu vực thuộc lãnh thổ quốc gia láng giềng.

Dưới đây là thông tin chi tiết về những tên lửa mà Triều Tiên đang sở hữu.

Tên lửa Hwasong-5 và Hwasong-6

Hwasong-5 và Hwasong-6, còn được gọi là tên lửa Scud-B và C với tầm bắn từ 300 – 500km. Những tên lửa loại này có khả năng mang đầu đạn thông thường, tuy nhiên, chúng cũng có thể được trang bị đầu đạn sinh học, đầu đạn hóa học và cả đầu đạn hạt nhân.

Cả hai loại tên lửa Hwasong-5 và Hwasong-6 đều đã được triển khai trong biên chế quân đội Triều Tiên. Các chuyên gia quân sự tin rằng, Hwasong-5 và Hwasong-6 có thể tấn công bất kể khu vực vào trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Tên lửa Nodong

Triều Tiên chính thức bắt tay vào nghiên cứu và triển khai loại tên lửa Nodong vào cuối những năm 1980. Đây là loại tên lửa có khả năng bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách 1.000km. Người ta tin rằng, Triều Tiên phát triển loại tên lửa này nhằm mục đích tấn công Nhật Bản.

Tuy nhiên, Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho biết, ít có thông tin thực sự về việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất tên lửa Nodong của chính phủ Triều Tiên.

Viện trên cũng tin rằng, Nodong sẽ không đủ chính xác để có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu quân sự chẳng hạn như căn cứ của Mỹ trên đất Nhật Bản. Tuy nhiên, Nodong có khả năng gây ra những thương vong dân sự cao nếu nó được sử dụng để nhắm bắn vào các khu dân cư trên lãnh thổ Nhật Bản.

Tên lửa Musudan


Musudan còn được gọi với cái tên Nodong-B, Taepodong-X. Đây là loại tên lửa tầm trung mà Triều Tiên đã sản xuất thành công. Mục tiêu của loại tên lửa này nhiều khả năng là khu vực Okinawa của Nhật Bản và các căn cứ quân sự khác của Mỹ trên biển Thái Bình Dương.

Phạm vi hoạt động của Musudan vẫn còn là điều gây tranh cãi. Trong khi Israel cho rằng Musudan đạt tầm bắn 2.500km thì Cơ quan Quốc phòng tên lửa Mỹ ước tính, tầm bắn của nó vào khoảng 3.200km. Các nguồn tin khác cho rằng Musudan có thể đạt tầm bắn tới 4.000km.

Trên thực tế, Musudan chưa bao giờ được thử nghiệm công khai nên việc suy đoán tầm hoạt động của nó chỉ có thể dựa vào các nguồn tin tình báo.

Tên lửa Taepodong-1 và 2 (bao gồm cả các tên không gian Unha)

Taepodong-1 được biết đến với cái tên Paektusan-1 khi nó mới ra đời. Dựa vào những hình ảnh vệ tinh của Mỹ, người ta tin rằng, Taepodong-1 là sự kết hợp giữa Nodong và Hwasong-6. Theo đó, Nodong sẽ đóng vai trò là phần thứ nhất của tên lửa, Hwasong-6 là phần tiếp theo.

Tên lửa Taepodong-1 được triển khai lần đầu trong một lần bay thử nghiệm vào tháng 8/1998 cho một xứ mệnh không gian. Thay vì mang một đầu đạn như các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo, Taepodong-1 mang một tên lửa khác ở giai đoạn thứ ba nhằm triển khai phóng một vệ tinh vào quỹ đạo trái đất.

Người ta tin rằng chỉ 2 phần đầu của tên lửa hoạt động và phần thứ 3 dường như chỉ để thử nghiệm chứ không có vệ tinh nào được phóng vào quỹ đạo sau vụ phóng đó.

Taepodong-2 - hoặc Paektusan-2 cũng là một tên lửa đạn đạo ba tầng hai giai đoạn nhưng có những tiến bộ đáng kể so với người anh em Taepodong-1. Phạm vi của Taepodong-2 ước tính vào khoảng 5.000 – 15.000km. Taepodong-2 đã được thử nghiệm trong hai lần phóng vào năm 2006 và 2009.

Tuy nhiên, nó chưa một lần thành công bởi các phần tên lửa phát nổ trong quá trình phóng. Dù vậy, phía Triều Tiên khẳng định, họ đã thành công trong lần phóng năm 2009 và đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo trái đất.

Nếu thực sự Taepodong-2 đã được phóng thành công, nó đồng nghĩa với việc đặt châu Úc và bang Alaska của Mỹ vào tầm tấn công. Nếu loại tên lửa này được trang bị đầu đạn hạt nhân, con số thương vong mà nó gây ra sẽ là vô cùng lớn và khiến cả nước Mỹ xa xôi không thể thờ ơ.

Theo Trịnh Duy/ Ifonet

Bình luận
vtcnews.vn