Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối tháng 8/2017, Kho bạc Nhà nước đang mang khoảng 160.000 tỷ đồng đi gửi tại các ngân hàng. So với đầu năm, khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng đã tăng tới 68%.
Trước đó, báo cáo kinh tế 5 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chỉ ra số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tính đến cuối tháng 5 đạt khoảng 143.000 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với đầu năm.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại cũng cho biết số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các nhà băng lớn cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, trong số các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước đang gửi nhiều tiền nhất tại Vietcombank với số dư tiền gửi tính đến cuối tháng 6 là 61.837 tỷ đồng.
Trong đó, hơn 80% tiền gửi bằng tiền đồng, còn lại là tiền gửi bằng ngoại tệ. So với số dư đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã gửi thêm hơn 19.000 tỷ đồng vào nhà băng này chỉ sau 6 tháng, tương đương mức tăng hơn 69%.
Tính đến hết quý II, Kho bạc Nhà nước cũng đang gửi tới 30.456 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại quốc doanh khác là BIDV, phần lớn trong đó cũng là tiền đồng. Tuy nhiên, so với đầu năm, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại đây chỉ tăng nhẹ 5%, tương đương 1.600 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại VietinBank cũng lên tới 21.262 tỷ đồng. Tuy nhỏ hơn so với số dư tại Vietcombank và BIDV, nhưng so với số dư hồi đầu năm thì giá khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại nhà băng này đã tăng hơn 118.000 lần.
Số tiền Kho bạc Nhà nước gửi tại đây hồi đầu năm 2017 chỉ vỏn vẹn 180 triệu đồng. Tương tự, 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước cũng đã mang 1.439 tỷ đồng đi gửi tại MBBank.
Ngoài ra, một số nhà băng khác như Techcombank, SHB cũng có các khoản nợ Chính phủ và NHNN tính đến hết ngày 30/6 vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy vậy, con số này bao gồm cả tiền gửi của Kho bạc nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và thậm chí cả Bộ Tài chính. Tại VIB cũng có số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước lên tới 1.000 tỷ đồng và được hưởng lãi suất 3,8%/năm.
Tổng cộng, tại 4 nhà băng là Vietcombank, BIDV, VietinBank và MBBank, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tính đến hết tháng 6 đã lên tới gần 115.000 tỷ đồng.
Điều này cho thấy Kho bạc Nhà nước trong những tháng đầu năm đã đẩy mạnh mang tiền đi gửi ngân hàng thương mại, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh.
Theo đánh giá từ các chuyên gia tài chính, việc Kho bạc Nhà nước mang tiền đi gửi có thể giúp chính sách tiền tệ được hưởng lợi nhưng sẽ đẩy áp lực lên chính sách tài khóa.
Theo đó, với việc Kho bạc Nhà nước mang tiền đi gửi ngân hàng sẽ giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn khi có thêm một lượng tiền gửi lớn với lãi suất thấp.
Điều này cũng giúp hệ thống ngân hàng có điều kiện để giảm lãi suất trên thị trường, bao gồm lãi suất cho vay, lãi suất huy động thị trường 1 và cả lãi suất liên ngân hàng.
Video: Người dùng tiền lẻ phản đối trạm BOT Quốc lộ 5 nói gì?
Ngoài ra, việc có dòng tiền lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng cũng sẽ giúp tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được đẩy mạnh góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2017 đạt 21%.
Tuy nhiên, điều này lại cho thấy hoạt động giải ngân nguồn vốn đầu tư công của nước ta đang gặp trở ngại. Trong khi vốn đầu vào từ các hoạt động thu thuế, phí và lệ phí, trái phiếu Chính phủ đang dồi dào thì đầu ra lại chậm chạp.
Giới chuyên gia cho rằng vốn đầu tư công không thể đẩy ra ngoài thị trường để xây dựng các công trình như đường xá, cầu cống, trường học, y tế… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế và mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017.
Bình luận