• Zalo

Khi trẻ em khoe nhau lì xì tiền triệu

Sức khỏeThứ Tư, 04/01/2012 05:06:00 +07:00Google News

Tết này tớ được 7 triệu, Tết này tớ được 10 triệu. Vài ba năm trước, khi tôi còn đang học phổ thông, những câu nói ấy đã xôn xao trong lớp học ngày đầu năm mới.

Tết này tớ được 7 triệu, Tết này tớ được 10 triệu. Vài ba năm trước, khi tôi còn đang học phổ thông, những câu nói ấy đã xôn xao trong lớp học ngày đầu năm mới.

Nhưng sau này, khi gặp nhiều đứa trẻ của nhiều gia đình khá giả khác, tôi thấy đó cũng là bình thường khi các cháu được những phong bao lì xì mang cả “những lời gửi gắm” của người tặng, tới bố mẹ các cháu được nhận lì xì.

Ảnh minh họa 

Chị Minh, có chồng làm giám đốc Sở Xây dựng một tỉnh. Trước Tết, nhà chị không phải lo hoa, quất, cành đào, cây cảnh. Chồng cũng không lo rượu, bánh kẹo ngoại… Tất cả đã có quà biếu của nhân viên. Chị hay khoe với họ hàng nội ngoại, “được cái sắm Tết nhàn”.

Từ 28, 29 tháng Chạp, các con chị Minh đã được nhận lì xì của các cô chú cơ quan đến thăm bố mẹ. Các cô chú lấy cớ Tết mắc công chuyện, về quê, không lên chúc Tết anh chị được, mừng tuổi sớm cho các cháu, mong các cháu ăn no chóng lớn. Con anh chị đã học lớp 12, đứa nhỏ đã học lớp 8. Hai phong bao bỏ ra, mỗi cái 500 ngàn.
Lì xì tiền trăm, tiền triệu không còn xa lạ với nhiều cháu nhỏ ở các thành phố lớn, đặc biệt khi có bố mẹ làm quan chức. Ngày Tết, các con chẳng cần ở nhà, “thôi thì gửi lại lì xì cho các cháu lấy may đầu năm” trở thành câu cửa miệng của nhiều người tới xông nhà các sếp dịp đầu năm.

Các cháu nhỏ gia đình khá giả ở thành thị được nhận lì xì tiền lớn đã quen, khi về quê nội, quê ngoại, nhận được lì xì của cô chú, ông bà chỉ là vài chục, thậm chí có người hàng xóm quý cháu cho vài ngàn lẻ tiền mới, đã chẳng ngại ngùng bí xị mặt, phụng phịu với bố mẹ, “ít lắm, con chả thèm” làm người tặng cũng ngại ngùng, mà bố mẹ các cháu cũng nóng bừng mặt vì xấu hổ.

Tôi đã không ít lần chứng kiến ở một trường chuyên một tỉnh, có cô bé nhà nghèo, ngày đầu năm mới lủi thủi một góc hành lang khi trong lớp bạn bè đang rối rít khoe nhau tiền mừng tuổi.

Ngày đầu năm mới đi học, trẻ con mang chuyện tiền lì xì để khoe với chúng bạn đã là một thói quen. Số tiền tỉ lệ thuận với sự hả hê, lòng phấn khởi vì các cháu nghĩ đó là đẳng cấp.

Lì xì đầu năm, theo phong tục đẹp của người Việt, đó là dịp để cha mẹ, ông bà, người lớn chọn những đồng tiền lẻ còn mới, đặt trong những phong bao đỏ, tặng cho các cháu nhỏ, mong các cháu ăn no, lớn mau. Con cháu trong nhà cũng có thể gửi phong bao đến cho ông bà, bố mẹ, mong ông bà, bố mẹ sống khỏe mạnh.

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của xã hội, khi mà giá trị của đồng tiền ngày càng có khả năng thay thế nhiều giá trị tinh thần trong xã hội, lì xì đã bị biến tướng dưới nhiều hình thức, trở thành một sự “lót tay hợp pháp”. Con trẻ trong những gia đình khá giả, được nhận nhiều tiền lì xì, nếu không được cha mẹ giáo dục cẩn thận, không tránh khỏi sau này, các cháu cũng bị ảnh hưởng tâm lý nhìn mọi thứ dưới giá trị tiền cao hay thấp.

Lì xì đầu năm mới, mong sao Tết này, nó không mất đi nét đẹp trong văn hóa Việt…

Thúy Hằng/Theo Lao động


Bình luận
vtcnews.vn