Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam ta đã có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Đó là một truyền thống tốt đẹp của một dân tộc văn hiến và hiếu học, được ông cha ta ghi nhớ qua các câu thành ngữ còn mãi lưu truyền đến đời sau như: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… Đó là một đạo lý đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ bao đời nay, nhưng không phải ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của đạo lý này và để hiểu hết ý nghĩa sâu xa của nó - cả ngày xưa và hôm nay - thì không đơn giản chút nào.
Thời gian qua, trong showbiz Việt đã nảy sinh nhiều câu chuyện lùm xùm về tình thầy trò, xoay quanh vấn đề về sự vô ơn mà thế hệ sau cư xử với thế hệ trước, dẫn đến việc nhiều cặp thầy - trò đăng đàn tố cáo, vạch trần tỏ rõ thái độ “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với nhau, đã nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận xôn xao của xã hội.
Vì đâu mà tình thầy trò vốn là thứ tình cảm vô cùng thiên liêng và đáng được quý trọng như vậy, nhưng trong giới showbiz, tình cảm này dần trở nên “biến dạng”, làm mất đi vẻ đẹp vốn có?
Thần đồng cũng chỉ là "viên ngọc thô", nếu không được "mài giũa"
Đó chính là nhận thức về ý nghĩa của hai từ “người thầy” trong suy nghĩ và tâm hồn của mỗi người học trò. Là một người từng cắp sách đến trường, trong chúng ta ai cũng hiểu, người thầy là người mang những con chữ, kiến thức cho ta và đem đến cho chúng ta những hiểu biết để ta sống tốt hơn, có ích hơn. Bên cạnh đó, người thầy lại dạy ta đạo lý, nhân cách để ta biết làm người trong xã hội. Và vai trò của người thầy là hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với bất cứ một quốc gia, dân tộc nào.
Trong showbiz cũng vậy, không phải tự nhiên mà người nghệ sĩ nổi tiếng có tài năng diễn xuất tuyệt vời hay có giọng hát hay mà không qua bất kỳ sự chỉ dạy nào. Dù cho đó là những “thần đồng” nhưng suy cho cùng họ cũng chỉ là những “viên ngọc thô” nếu không được “mài giũa”. Thế nhưng, không phải lúc nào những “người thầy” trong showbiz cũng được “học trò” ghi nhớ công ơn.
Điển hình là câu chuyện “ăn cháo đá bát” của Hương Tràm khi thẳng thừng phủi bỏ công lao và tâm huyết của Thu Minh - vị huấn luyện viên mà Hương Tràm từng khóc trên vai tại sân khấu “The Voice 2013”, người đã đưa cô đến ngôi vị quán quân năm đó.
Hương Tràm phủ nhận công ơn người thầy đã đưa cô lên đỉnh vinh quang, còn Thu Minh thì tuyên bố rằng cô chỉ có một học trò là Trúc Nhân. |
Sự việc bắt đầu từ sau bài phỏng vấn của Thu Minh khi chia sẻ về việc cô không biết phải hỗ trợ gì cho học trò Hương Tràm, ngay lập tức cô học trò nhỏ ngày nào đã quay lại đáp lễ một cách rành rọt những thứ cô “cần” Thu Minh “hỗ trợ” cho mình và có phần “trách móc” người thầy của cô.
Câu chuyện liên quan đến thầy trò Thu Minh - Hương Tràm đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cộng đồng mạng lúc bấy giờ. Phần đông các ý kiến đưa ra đều cho thấy rằng thái độ của quán quân "Giọng hát Việt" vô cùng trẻ con, không suy nghĩ thấu đáo mọi vấn đề đã vội vàng trách móc “đàn chị” và có những lời nói không hay liên quan tới người khác.
Sau sự việc đó, Hương Tràm cũng tránh đụng mặt Thu Minh trong các sự kiện. Và cho đến bây giờ, tình cảm giữa hai thầy trò này đã không còn tốt đẹp như xưa. |
Vô lễ - con đường ngắn nhất dẫn đến sự vô ơn
Hay như chuyện lùm xùm về nữ người mẫu 9X - Tuyết Lan cũng một thời gian bị dư luận tẩy chay vì những phát ngôn vô ơn với siêu mẫu Hà Anh, chân dài từng được xem là “thầy” của Tuyết Lan trong cuộc thi “Vietnam’s Next Top Model 2011”. Cô đã nói xấu Hà Anh và cho rằng Hà Anh trù dập mình trong suốt cuộc thi chỉ vì lý do cô quên chào hỏi.
Siêu mẫu Hà Anh đã vô cùng thất vọng khi đọc được những tâm sự của đàn em. Cô đã nhanh chóng viết một tâm thư dài nói về Tuyết Lan và ẩn ý chê cô người mẫu trẻ này vô ơn, bởi trước đó, chính Tuyết Lan đã nói cảm ơn Hà Anh trước mặt mọi người và cảm thấy tự hào khi đứng cùng Hà Anh tại một sự kiện trao giải. Sau khi bức thư của Hà Anh được công bố, Tuyết Lan chọn cách im lặng.
Tuy nhiên, trong mắt mọi người thì hình ảnh của Tuyết Lan đã xấu đi ít nhiều, bởi dù sao, Hà Anh cũng từng là người đã dìu dắt cô. Hiện tại Hà Anh vẫn giữ mối quan hệ tốt với Trang Khiếu, còn với Tuyết Lan, cả hai xem như không quen biết.
Từ nhận thức dẫn đến hành động
Và mới đây nhất là vụ việc mẹ bạn trai của “ca nương” Kiều Anh thay con lên tiếng chỉ trích huấn luyện viên Thu Phương ích kỷ, không cho Kiều Anh cơ hội đi tiếp vào chung kết và quên hết những công lao mà nữ ca sĩ đã tận tình giúp đỡ “ca nương”, gây xôn xao dư luận.
Bởi nếu không có sự hướng dẫn, chỉ dạy của Thu Phương, khán giả liệu có thể thấy được những tiến bộ rõ nét của Kiều Anh trong từng vòng thi và dần được yêu mến nhiều hơn qua cuộc thi?
Sau những lời “buộc tội” đó, nữ ca sĩ Thu Phương vẫn giữ thái độ im lặng, hành động này của cô được đánh giá là khôn ngoan khi không đôi co cùng dư luận.
Với một ca sĩ dày dạn kinh nghiệm, từng vượt qua không ít những khó khăn còn khủng khiếp hơn trong cuộc đời thì việc phân bua đúng sai trong chuyện này là không cần thiết. Bởi với tính cách của Thu Phương, cô quan niệm rằng khi đối diện với dư luận, sự thật thế nào không nằm ở phán xét của mọi người mà là ở suy nghĩ của người trong cuộc.
Thu Phương từng tận tâm chỉ dạy, dìu dắt Kiều Anh như thế nào thì bản thân “ca nương” là người hiểu rõ nhất, vì vậy mà nữ ca sĩ đã không lên tiếng khi sự việc này không phải do Kiều Anh “khởi xướng”. Dù vậy, nhưng cô học trò nhỏ của giọng ca “Chưa bao giờ” cũng giữ im lặng và không lên tiếng xin lỗi hay giải thích thỏa đáng vụ việc này, khiến mối quan hệ giữa Thu Phương và Kiều Anh dần bị rạn nứt.
Tạm kết
Sau những lùm xùm trên, với những ai đã dành tình cảm hay sự kỳ vọng cho một tình thầy trò cao đẹp tồn tại trong showbiz Việt, thì có lẽ niềm tin ấy đã phần nào bị sứt mẻ. Nhưng “người thầy”, hai từ thiêng liêng ấy lúc nào cũng vang lên trong suy nghĩ mỗi chúng ta khi nhớ về người đã từng dạy dỗ, dìu dắt những con chữ, kiến thức đầu đời.
Ngày còn bé, đã bao giờ có ai đó thắc mắc và hỏi rằng: “Tại sao chúng ta lại phải gọi thầy là “thầy giáo”? Đây là một câu hỏi ngây thơ và ngờ nghệch, nhưng đó lại là những tình cảm đầu tiên, những cảm nhận mơ màng về “người thầy” của đứa trẻ khi chập chững vào lớp một. Hình ảnh người thầy cầm tay trò nắn nót viết từng con chữ quả là một ký ức sâu sắc đối với tuổi thơ của mỗi người. Thầy dạy bao điều bổ ích, truyền đạt bao bài học hay.
Thầy là cha, là mẹ thứ hai trong cuộc đời. Người thầy như ngọn hải đăng soi sáng, là ngọn lửa ấm áp, dìu dắt chúng ta trước những vấp ngã của cuộc đời, cho ta niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Ngay cả những bậc thánh hiền, vua chúa cũng cần có thầy.
Cho dù bạn là ai, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy luôn nhớ rằng chúng ta không thể tự nhiên mà tồn tại trong cuộc đời này nếu không có cha mẹ và sẽ không thể tự vun đắp hành trang kiến thức, tự tin bước vào đời để gặt hái thành công nếu không có người thầy!
Vì lẽ đó mà dù trong showbiz có biết bao biến cố đã xảy ra, nhưng đời đời hình ảnh người thầy vẫn đẹp mãi trong nhân loại.
Lam Dung
Bình luận