Sáng 21/11, trao đổi với PV VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ thẳng thắn về hàng loạt vụ việc nữ sinh phạm tội trong thời gian gần đây.
- Vừa qua, vụ việc 2 thiếu nữ 16 tuổi ở TP.HCM chặn đầu xe, chém một người phụ nữ để cướp xe máy đã khiến dư luận rất bức xúc. Ông có suy nghĩ gì trước thực tế, ngày càng có nhiều nữ sinh phạm tội nguy hiểm?
Vừa qua, một số vụ việc nữ sinh phạm tội một cách manh động với tính chất nghiêm trọng đã khiến chúng ta phải lo lắng.
Tôi cho rằng, đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên. Trong đó, ngày càng có nhiều vụ việc phạm tội do các nữ sinh gây ra.
Điều đó đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải quan tâm đến vấn đề này và có giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên quyết liệt hơn nữa.
Những sự việc như 2 nữ sinh chém người cướp xe, hay nữ sinh đánh hội đồng bạn và bắt liếm chân rất nghiêm trọng mà cả xã hội, cả hệ thống chính trị phải quan tâm đến vấn đề này.
Tôi cho rằng, các cơ quan phải có giải pháp chung tay để hạn chế vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nữ thanh thiếu niên như thời gian vừa qua.
Video: 2 thiếu nữ đâm người, cướp xe máy trên phố Sài Gòn: Quan chức QH lên tiếng
- Tại sao đối tượng nữ sinh phạm tội ngày càng tăng, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta thấy rằng đối tượng nữ thanh thiếu niên phạm tội hình sự có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân trước hết là do mặt trái của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, văn hóa của giới trẻ, trong đó có các nữ sinh.
Ngoài ra, những mặt trái của xã hội cũng ảnh hưởng đến những nữ sinh này. Ví dụ như phim ảnh bạo lực, game bạo lực, lối sống buông thả, hưởng thụ đã kích động "cái tôi" một cách quá mức trong các nữ sinh.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa đó chính là việc nhiều gia đình không quan tâm được đầy đủ con em mình. Chính điều đó đã khiến cho các nữ sinh vi phạm pháp luật, trượt dài trong vấn đề đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử.
- Tính chất nguy hiểm của những vụ việc do nữ sinh gây ra trong thời gian gần đây là như thế nào, thưa ông?
Hai vụ việc nữ sinh phạm tội mà chúng ta vừa nêu đã thể hiện sự manh động, hành động hung hãn và côn đồ.
Rõ ràng, trước đây chúng ta đã đặt đối tượng nữ thanh thiếu niên ra ngoài các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật hay phạm tội hình sự.
Trước đây, trong suy nghĩ, chúng ta cũng loại đối tượng nữ thanh niên ra khỏi nhóm có nguy cơ cao manh động, côn đồ, hung hãn.
Tuy nhiên, qua những sự việc này, chúng ta cần nhìn nhận lại, cần có giải pháp ngăn ngừa kịp thời, giáo dục đạo đức, lối sống cho các nữ sinh.
Tôi cho rằng, quan trọng nhất phải có biện pháp phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để có phản ứng kịp thời trước những thay đổi lệch lạc trong ứng xử của các em nữ sinh.
- Trường hợp nữ sinh phạm tội thì liệu có cần những quan tâm đặc biệt hơn không, thưa ông?
Nữ sinh phạm tội thì phải quan tâm hơn rất nhiều. Trong truyền thống của Việt Nam, người phụ nữ thường gắn liền với các đức tính đẹp như: “Công, dung, ngôn, hạnh” thì hiện nay nữ sinh lại có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tôi cho điều đó nằm trong bối cảnh chung. Vì vậy, chúng ta cần giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên nói chung và nữ thanh niên nói riêng.
Việc phát hiện, xử lý những vi phạm của nữ sinh chỉ là “chữa cháy”. Còn việc “phòng cháy” mới là quan trọng.
Hai vụ việc nữ sinh phạm tội mà chúng ta vừa nêu đã thể hiện sự manh động, hành động hung hãn và côn đồ.
Ông Phạm Tất Thắng
Việc kịp thời theo dõi, phát hiện để có những ngăn chặn từ khi các nữ sinh có sự thay đổi trong hành vi, suy nghĩ sẽ quan trọng hơn việc khi đã phạm tội rồi mới tìm cách khắc phục và bắt các em chịu hậu quả do phạm tội.
- Liệu chúng ta có thể thông cảm khi những nữ sinh này đều đang ở độ tuổi vị thành niên?
Vừa qua, Quốc hội cũng đã có thảo luận về vấn đề này và cũng đưa ra nhiều chính sách có tính tới đối tượng phạm tội là vị thành niên.
Tuy nhiên, pháp luật đã có quy định với những khung xử lý riêng. Đã vi phạm pháp luật thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý.
Tôi khẳng định một việc nữa là “phòng cháy” quan trọng hơn “chữa cháy”. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các nữ sinh này quan trọng hơn khi các em phạm tội rồi mới xử lý.
Còn khi các em đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội có các biện pháp gì để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết những việc này, thưa ông?
Cơ quan Quốc hội có chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát nên không làm những việc cụ thể.
Tuy nhiên, những vấn đề xã hội mà có khả năng lan rộng, có ảnh hưởng xấu đến xã hội trên phạm vi rộng thì Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng sẽ tiến hành giám sát.
Thông thường, chúng tôi sẽ theo dõi các hiện tượng và nắm phản ánh của cử tri. Chúng tôi sẽ trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng để lưu ý những việc các cơ quan này phải thực hiện nhiệm vụ.
Khi mà vấn đề trở nên nghiêm trọng, thì Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng có thể phối hợp với các cơ quan chức năng để đề nghị sửa đổi các bộ luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bình luận