Hôm 18/12, hàng loạt trang báo Hàn Quốc đã đăng tải thông tin nam ca sĩ Jong Hyun (SHINee) qua đời trong phòng làm việc tại Chungdamdong. Tại hiện trường, có rất nhiều các lò than được đốt cháy. Thực sự khí than nguy hiểm đến mức nào mà có thể dễ dàng sát hại một người khỏe mạnh chỉ trong vài giờ?
Khí than “giết” người như thế nào?
Than củi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra loại khí cực độc là carbon monoxide (CO). Khi hít phải khí này, nạn nhân có thể mắc phải các di chứng thần kinh – tâm thần hoặc nặng hơn là tử vong.
Khi cơ thể hít phải loại khí này, nó sẽ đi vào phổi rồi vào máu, ở đây CO kết hợp với hemoglobin (hồng huyết cầu) trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này ngăn chặn quá trình giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy, làm cho nạn nhân bị ngạt.
Do là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng nên chính nạn nhân cũng khó cảm nhận được sự hiện diện của CO trong không khí. Chỉ đến khi nạn nhân bắt đầu cảm nhận được sự bất thường trong cơ thể thì chân tay không cử động được nữa, nạn nhân sẽ hôn mê và dẫn đến tử vong.
Video: Nhiều cái chết đau lòng vì ngạt khí than sưởi
Nhiều gia đình thường có thói quen đốt than để sưởi ấm
Nhiều gia đình có thói quen sử dụng lò than để sưởi ấm khi trời lạnh hoặc dùng bếp than nướng thức ăn trong phòng. Tuy nhiên trên thực tế, đây là những việc làm vô cùng nguy hiểm.
TS.BS Đỗ Quốc Huy, phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết: “Gọi "ngạt khí” để nói về một số người bệnh bị hôn mê, thậm chí tử vong khi ở trong phòng kín có dùng máy nổ phát điện, có đốt than củi, than tổ ong hay ở trong hầm của tòa nhà có nhiều xe gắn máy, ôtô đang nổ máy… thực chất là tình trạng ngộ độc khí CO.
Đốt than sưởi ấm, dù có mở hé một cửa sổ để thông gió cũng vẫn nguy hiểm vì hít phải khí CO sẽ ngấm độc từ từ, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính thì tốc độ và mức độ nhiễm độc tăng rất cao.
Thực tế, đã từng có nhiều trường hợp rơi vào trạng thái nguy kịch do ngộ độc khí CO. Đầu năm 2016, một bé gái 18 tháng tuổi tại Nghệ An tử vong do người nhà dùng than củi để sưởi ấm. Bốn thành viên khác trong gia đình này bị khó thở, sùi bọt mép, lơ mơ, rối loạn ý thức. Trước đó, tại Thanh Hóa, một gia đình đốt than đặt trong nhà đóng kín cửa. Hậu quả, ba người bị chết ngạt, hai người nguy kịch, phải cấp cứu tại bệnh viện vì ngộ độc do khói, khí than không thoát được ra ngoài.
Bệnh nhân nhập viên do ngạt khí than. Ảnh Internet
Nhiều bếp ăn tập thể hiện nay vẫn sử dụng than như nhiên liệu chính cho việc đun nấu. Trong khi đó, hệ thống hút khói không được đầu tư, trang bị dẫn đến việc người ăn thường xuyên hít phải khói than. Thậm chí, tình trạng này vẫn đang diễn ra tại các bếp ăn từ thiện của một số bệnh viện, căngtin trường học…
Phải làm gì nếu phát hiện ngộ độc CO?
CO là loại khí không màu, không mùi nên rất khó nhận biết sự hiện diện của chúng trong không khí cho đến khi có dấu hiệu bị nhiễm độc. Tuy nhiên, một số triệu chứng ban đầu có thể nhận biết như: nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, khó thở và dần hôn mê.
Ở mức độ nặng hơn, nạn nhân sẽ cảm thấy tức ngực, nhìn lờ mờ, khó thở, mạch nhanh... Lúc này, nạn nhân có thể lên cơn co giật, bất tỉnh, não bị tổn thương, tim ngừng đập và cuối cùng là tử vong.
Nếu phát hiện nạn nhân nghi trúng độc CO, người sơ cứu cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc, mở tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà. Trong trường hợp nạn nhân bị nhiễm độc năng, cần tiến hành hô hấp nhân tạo và đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bình luận