• Zalo

Khi Sabeco bất an

Kinh tếThứ Ba, 30/06/2015 01:00:00 +07:00Google News

Những thông tin bất lợi liên tiếp đã khiến cho Sabeco hao tổn nhiều sức lực trước khi tiến hành niêm yết.

Những thông tin bất lợi liên tiếp đã khiến cho Tổng công ty cổ phần (CTCP) Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hao tổn nhiều sức lực trước khi tiến hành niêm yết.

Những “con cá nhanh” nguy hiểm

Hiện tại, theo cách ví von của ông Tuất, việc “cá nhanh” tiêu diệt “cá chậm” mới là điều đáng nói trong việc đánh chiếm thị phần trong ngành bia. Ở thị trường tỉnh, “cá nhanh” đầu tiên xuất hiện được cho là Bia Huda Huế. Thương hiệu này đã thành công trong chiến lược phát triển với bộ máy nhanh, gọn và đã phát triển rất tốt, tiêu thụ 250 triệu lít/năm.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Sabeco thận trọng cho rằng, năm 2015, với những con “cá nhanh” như thế, công ty sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn to lớn. Cụ thể là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường nội địa, cũng như sự xuất hiện của một đối thủ mới đáng gờm là AB Inbev.

Do vậy, theo bà Hạnh, có thể doanh thu và lợi nhuận trong năm nay của Sabeco sẽ không được như mong đợi. Sự tấn công trực diện từ các đối thủ sừng sỏ đã khiến các sản phẩm chủ lực của công ty, như bia lon 333, bia chai 355… tiêu thụ giảm so với cùng kỳ.

sabeco
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho rằng, quan niệm về việc “cá lớn nuốt cá bé” đã lỗi thời và không còn phù hợp. 
Sabeco hiện chiếm lĩnh 46% thị trường bia Việt Nam với nhiều thương hiệu như bia 333 hay bia Sài Gòn. Nhưng hiện nay, thị trường bia Việt Nam được chia ra nhiều phân khúc khác nhau và mỗi phân khúc đều có những ông lớn nắm giữ thị phần chủ đạo.

Dòng bia cao cấp chiếm 7% thị phần với sự thống trị của các hãng bia ngoại như Heineken, Tiger, Sapporo… Dòng bia phổ thông chiếm 60% thị phần đều do các hãng nội nắm giữ như Sabeco, bia Đại Việt và Habeco… Thị phần còn lại chia đều cho các hãng bia mới.

Trăm bề nguy khó

Vị thế “ông lớn” vô hình trung đã tạo nên một áp lực rất lớn, đẩy Sabeco vào thế khó khi xây dựng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Theo Ban giám đốc Sabeco, dự kiến doanh thu của công ty năm 2015 ở mức 31.721 tỷ đồng, tăng 2%, lợi nhuận sau thuế ở mức 3.291 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014.

Mục tiêu khiêm tốn này khiến cho hầu hết cổ đông Sabeco cho rằng, tham vọng của công ty không tương xứng với tiềm năng vốn có. Không liên quan đến kế hoạch kinh doanh, nhưng những đòi hỏi cụ thể của các cổ đông về chiến lược phát triển cũng “nóng” hơn.

Đầu tiên, các cổ đông mong muốn xây dựng hình ảnh của công ty thông qua việc nhanh chóng xây dựng tòa tháp Sabeco tại số 6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM). Tiếp đến là thông tin về chín địa điểm khác trên địa bàn mà Sabeco có thể khai thác cũng bị cổ đông “xoay” đến nghẹt thở.

Ông Phan Đăng Tuất giải thích: “Chín khu đất của Sabeco là “tội đồ” khiến giá đợt IPO tăng cao. Tuy nhiên những khu đất đó không phải sở hữu của Sabeco mà chỉ là quyền ưu tiên số 1 về thuê”.

“Sabeco cũng rất mong thực hiện tòa tháp bia Sài Gòn, nhưng vướng trả tiền đất giá cao hơn 1.000 tỷ đồng, mà nguồn vốn bỏ ra lại phải phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Thêm vào đó, diện tích Sabeco sử dụng chỉ chiếm chưa đến 3% diện tích xây dựng tòa tháp này, còn lại 97% phải cho thuê… nhưng theo Nghị định 97 lại không được kinh doanh ngoài ngành” – ông Tuất cho biết thêm.

Trong khi còn loay hoay giải quyết những vướng mắc “mâu thuẫn trong nhà” thì thông tin chính sách thị trường lại khiến Sabeco đứng trước nguy cơ sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng. Thông tin gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2016 chưa lắng xuống, thì dự thảo đề án dán tem bia (Dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất kinh doanh bia, Bộ công thương) đã đe dọa trực tiếp vào chi phí vốn và doanh thu của doanh nghiệp.

Một lần nữa ông Tuất lại phân trần tại ĐHĐCĐ vừa qua: “Bộ Tài chính đang trình Chính phủ mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2015, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá sẽ được nâng lên 10-20% so với mức đang áp dụng. Nếu quy định này được thông qua, dự kiến Sabeco sẽ mất khoảng 900 tỷ đồng lợi nhuận, tức hơn 10% tổng lợi nhuận của toàn công ty. Thêm vào đó, nếu quy định dán tem trên lon được áp dụng thì Sabeco sẽ phải mất thêm khoảng 800 tỷ đồng/năm (chưa tính đến chi phí đầu tư các thiết bị đi kèm)”.

Gian truân tìm đối tác mới

Câu chuyện về các đối tác chiến lược của Sabeco đang được hâm nóng trong suốt thời gian qua, nhưng việc cụ thể hóa các thông tin trên không hề đơn giản cho cả chủ nhà lẫn đối tác. Vấn đề bán 53% cổ phần Nhà nước đang được nhiều người quan tâm nhất. Hiện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty là 89,59% và sẽ được thoái xuống còn 36% theo 2 phương án: bán một lần hoặc bán làm hai lần (lần 1 bán 40% và lần 2 bán 13,59%).

Theo thông tin từ Sabeco thì đến nay họ đã nhận được 9 hồ sơ của đối tác đề nghị muốn mua cổ phần. Nhưng Bộ Công Thương đã lập ra một ban chỉ đạo bán tiếp phần vốn tại Sabeco. Thời gian tới, nếu đơn vị nào đáp ứng được những tiêu chí đưa ra thì sẽ bán. Được biết, hàng loạt ông lớn trong ngành bia như Tập đoàn Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), SAB Miller (Hoa Kỳ) và mới đây nhất là Thaibev (Thái Lan) đã bày tỏ sự quan tâm trong việc mua cổ phần của Sabeco.

Theo lãnh đạo công ty Sabeco, các ràng buộc về điều kiện trở thành cổ đông chiến lược tương đối gắt gao phù hợp với chiến lược của Sabeco. Điều quan trọng là hai bên không thể quyết định mà phải có ý kiến từ Bộ Công Thương.

Ông Phan Đăng Tuất cho rằng: “Sabeco như một “cô gái đẹp”, “chàng trai” nào muốn làm rể phải đáp ứng những tiêu chuẩn khá cao. Tôi cũng đã gặp Chủ tịch của Thaibev và chia sẻ thẳng thắn: hôn nhân tại Việt Nam không do đôi trai gái quyết định, mà còn phụ thuộc vào gia đình, đoàn thể…”.

Như vậy tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho Sabeco có thể sẽ khống chế các đối tác cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp với Sabeco. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ bớt đi rất nhiều nhà đầu tư trong ngành bia có tên tuổi trên thế giới. Chính vì vậy, các “chú rể” ngoại có thể tiềm lực mạnh, nhưng cũng không hẳn là có lợi thế trong quá trình “kén rể” của Bộ Công Thương.

Nguồn: DDDN

Bình luận
vtcnews.vn