Khi quyết sách phải 'không sợ mất chức, mất ghế'

Thời sựThứ Bảy, 16/06/2012 12:57:00 +07:00

(VTC News) – “Cán bộ chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao năng lực, trí tuệ để quyết định những quyết sách cần thiết đối với nhân dân mà không sợ trách nhiệm..."

(VTC News) – Đăng đàn sáng 15/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: “Cán bộ chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ để quyết định những quyết sách cần thiết đối với nhân dân mà không sợ trách nhiệm, không sợ mất chức, mất ghế”.


Sáng ngày 15/6,  Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

“Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất”

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) 
Tại phiên chất vấn, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu, năm 2012, mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.


“Với trách nhiệm là một trong những người đứng đầu Chính phủ, xin Phó Thủ tướng cho biết nhận định nền kinh tế nước ta liệu có rơi vào suy giảm hay không? Mức độ như thế nào? Nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa?” - ĐB Long chất vấn.

ĐB này cũng đề nghị Phó Thủ tướng cho biết các vấn đề cần quan tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ để khống chế ngăn ngừa không để lạm phát cao trở lại.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn”.

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, quý I vẫn tăng trưởng 4% thấp nhất, nhiều DN bị giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, thất nghiệp lớn trong cả đất nước. Quý II tăng trưởng khá hơn, số DN ít giải thể, phá sản hơn, hàng tồn kho ít hơn.

“Tôi cho rằng đánh giá của nền kinh tế có thể có 3 tiêu chí rất quan trọng, một là chỉ số phát triển công nghiệp bao gồm sản xuất, tiêu thụ của đất nước, của DN, thứ hai là xuất nhập khẩu và thứ ba là tổng mức bán lẻ của nền kinh tế”.

Như vậy, theo Phó Thủ tướng, có thể nói căn cứ vào các tiêu chí này thì nước ta trong tháng 5 đã có tình hình tốt hơn về kinh tế so với tháng 4 và quý I về các chỉ số này. Đặc biệt là chỉ số hàng tồn kho giảm nhanh, số DN phá sản dừng lại và nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cũng khá hơn, “chính vì vậy chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt” – Phó Thủ tướng khả quan.

Giám sát tốt hơn nữa để không lọt những cán bộ mang tư tưởng tham nhũng

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng nêu, trong Báo cáo của Quốc hội trình cho kỳ họp lần này Chính phủ có nêu kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, trình độ một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức (CBCC) chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. “Đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết vì sao có thực trạng này, Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để sớm chấn chỉnh thực trạng nêu trên?”

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cả nước có trên 2,8 triệu CBCC kể cả lực lượng vũ trang. “Phải đánh giá rằng đa số CBCC của chúng ta có bản lĩnh chính trị, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật và phần lớn được đào tạo chuyên môn chính trị, tin học” – Phó Thủ tướng ghi nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế, yếu kém về năng lực và trình độ của một bộ phận không nhỏ đội ngũ CBCC chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế và quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng cho rằng, kỷ cương, kỷ luật thấp, trách nhiệm của CBCC chưa cao, trì trệ, chậm đổi mới, như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI đã kết luận là một bộ phận không nhỏ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, có bộ phận tham nhũng, tiêu cực, làm mất uy tín của đội ngũ cán bộ và của Đảng, nhà nước ta.

Trong số đó có nhiều cán bộ văn hóa công sở chưa đạt yêu cầu, trong quá trình thực hiện các luật pháp về Luật Công chức, viên chức, công tác tuyển dụng tiếp nhận, thi tuyển, quy hoạch, bổ nhiệm còn nhiều bất cập.


“Những hạn chế yếu kém này trong cách chọn nhân tài của chúng ta là vấn đề rất lớn trong đội ngũ cán bộ” – Phó Thủ tướng nhận định.

Để giải quyết, Phó Thủ tướng cho biết sẽ rà lại văn bản pháp luật nhất là về tuyển dụng, đánh giá thi cử để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới.

Cùng với đó, công khai quy định danh sách cán bộ để loại bỏ những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ và cán bộ vi phạm kỷ luật, cán bộ mất uy tín với Đảng và nhân dân. Thực hiện đúng Luật cán bộ, Luật công chức

Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế tiền lương; thanh tra công vụ thường xuyên nghiêm túc.

“Cán bộ chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ, thông qua nghiên cứu học tập không thể chủ quan, nâng cao năng lực hành động đi sát với thực tiễn cuộc sống để quyết định những quyết sách cần thiết đối với nhân dân mà không sợ trách nhiệm, không sợ mất chức, mất ghế” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân trong hành động của mình, trong công việc của mình - chính là lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, trong thực thi công vụ và xử lý những việc cụ thể ở trên cương vị của mọi cán bộ, công chức.

Cũng liên quan đến công tác cán bộ nhưng ở khía cạnh phòng, chống tham nhũng, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) chất vấn: “Phó Thủ tướng Chính phủ có nêu những giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tôi rất tán thành. Tuy nhiên, tôi chưa thấy đâu là khâu đột phá.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ thì có nên chọn 3 vấn đề sau làm đột phá trong việc phòng, chống tham nhũng hay không (chỉnh sửa luật lệ về kinh tế để cho pháp luật trở thành lưới vững chắc, kín kẽ, khiến cho tham nhũng không thể xâm nhập vào tài sản của Nhà nước và nhân dân; sửa sang lại luật lệ về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm cán bộ để cho tham quan ô lại không thể lọt vào bộ máy Nhà nước; ban hành Luật trọng dụng nhân tài để thu hút lực lượng cán bộ tinh hoa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy Nhà nước)?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Có nhiều biện pháp trong kết luận của Hội nghị Trung ương 5 về vấn đề này, chúng tôi không phản đối vấn đề này, chúng tôi tán thành với ý kiến của ĐB Thanh Vân đã nêu, luật thể chế nói chung, đặc biệt là thể chế về quản lý kinh tế xã hội để không có kẽ hở trong phòng, chống tham nhũng rất quan trọng”.

Cũng theo Phó Thủ tướng, có một tiêu chuẩn, có một quy định, có giám sát tốt hơn nữa để không lọt những cán bộ không tốt, mang tư tưởng tham nhũng trong bộ máy của chúng ta.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý là phải có cơ chế thu hút nhân tài trong bộ máy nhà nước, điều đó không những làm năng suất xã hội được nâng lên, đồng thời góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng.

“Những ý tưởng và những khâu đột phá của ĐB Lê Thanh Vân, chúng tôi nhất trí và sẽ coi như một sự tiếp thu cần thiết để hoàn chỉnh công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới mà Đảng và nhà nước đang chỉ đạo thực hiện”.

Quý 3/2012 sẽ công bố trách nhiệm trong quản lý tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước

Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cũng đề nghị Chính phủ làm rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các bộ, ngành trong việc quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả trong thời gian vừa qua. “Nếu được xin công khai cách xử lý và đặt rõ trách nhiệm của Chính phủ về vấn đề này để nhân dân biết” – ĐB Tâm đề nghị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang nợ 7 văn bản nghị định liên quan đến vấn đề này và “chúng tôi cũng báo cáo lại với Quốc hội là chậm nhất trong Quý 3/2012 sẽ ban hành đầy đủ hệ thống văn bản này để quản lý tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành hơn”.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định sẽ công khai ra cho nhân dân. “Công khai, minh bạch là một yêu cầu, cũng như ĐB Trần Du Lịch nêu: phải công khai như lên sàn chứng khoán” – Phó Thủ tướng nói.

Kiều Minh

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn