• Zalo

Khi phụ nữ làm khoa học

Thời sựThứ Ba, 08/09/2015 02:42:00 +07:00 Google News

Đàn ông làm khoa học đã hiếm, đàn bà làm khoa học như GS.TS. Nguyễn Thị Lang ở Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) càng hiếm hoi hơn.

(VTC News) - Đàn ông làm khoa học đã hiếm, đàn bà làm khoa học như GS.TS. Nguyễn Thị Lang ở Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) càng hiếm hoi hơn. 

Đối GS.TS Nguyễn Thị Lang, con đường đến với khoa học như là nhân duyên, nhất là trên con đường ấy, cô được đồng hành cùng cây lúa.
Vẫn khóc khi chưa thành công
Cô Lang kể: “Ngày còn học lớp 6 trường làng, tôi hay theo các anh chị đi gặt lúa khi mùa về. Rồi lớn lên tôi nghĩ, sao người nông dân quê mình vất vả thế, phải làm gì cho cây lúa dễ chăm sóc, cấy trồng và có giá trị cao, để bà con bớt nhọc nhằn".
Suy nghĩ ấy dai dẳng bám theo cô, đưa chân cô tới giảng đường Đại học, rồi về lại quê nhà- tỉnh Bến Tre (1976), vào Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (1990). Năm 1994, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ "Nghiên cứu di truyền tính trạng sinh lí ưu thế lai trên lúa".
GS.TS Nguyễn Thị Lang luôn kiên nhẫn lai tạo, tối ưu các giống lúa
GS.TS Nguyễn Thị Lang luôn kiên nhẫn khám phá và cải tạo cây lúa

Sau hàng chục năm nghiên cứu, lai tạo “lúa ma” (một giống lúa tự nhiên ở Đồng Tháp Mười) với giống lúa cao sản, năm 2002, TS. Lang đã cho ra đời giống lúa mới mang tên AS996 (còn có tên là OM2424), với các tính năng nổi trội như sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu, phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao...
Người làm khoa học không lấy thành công là bến bờ. Cô tiếp tục niềm đam mê, khao khát khám phá và cải tạo cây lúa.
Vào những năm 2006 – 2007, biết bao lần cô Lang đã khóc trên chính những mầm lúa mà mình ươm tạo, khi các giống lai tạo đều bị bệnh rầy nâu và không thể chống chịu được với thời tiếtCô tâm sự: "Tất cả các giống đưa ra đều chết hết, nên mình ứa nước mắt. Lúc đó mình thật sự bị stress." 
Đã là phụ nữ thì dù ở cương vị nào cũng vẫn mang bản chất phụ nữ. Nhưng không vì thế mà cô Lang nản lòng. Kiên cường, bất khuất cũng là một đặc tính của phụ nữ Việt Nam.
Yêu lúa như con
Năm 2012, 3 năm sau khi cô được công nhận học hàm giáo sư, "siêu lúa" mới- OM 4900 ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của GS.TS Nguyễn Thị Lang. “OM” là tên viết tắt của Ô Môn, đia điểm đặt trụ sở của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà hai vợ chồng giáo sư đang làm việc. 
Đến nay, đã có 50 "siêu lúa" mang họ OM như thế, chiếm 77% diện tích trồng lúa ở vùng ĐBSCL, nâng hiệu quả canh tác từ 4 triệu tấn/ha (năm 1976) lên 5 – 7 triệu tấn/ha (năm 2002), và nay là trên 25 triệu tấn/ha, trở thành giống lúa chủ lực, mang lại 70 - 80% giá trị xuất khẩu của vùng.
Nhà khoa học Nguyễn Thị Lang như một “người mẹ lúa”. Cô đã không chỉ nâng đỡ “các con mình” lên một tầm cao mới, mà còn giúp nó tiến xa hơn vào những vùng đất mới như Philippin, Campuchia, Indonesia…
Dù có những lúc không thành công nhưng GS.TS Nguyễn Thị Lang chưa bao giờ từ bỏ đam mê và tâm huyết với cây lúa.
Dù có những lúc không thành công nhưng GS.TS Nguyễn Thị Lang chưa bao giờ từ bỏ đam mê và tâm huyết với cây lúa. 

Hiện cô đang tham gia nghiên cứu Đề tài “Sản phẩm trọng điểm quốc gia” về các giống lúa xuất khẩu sẽ đạt 600 – 800 USD/tấn từ đây tới 2020, nhằm hướng đến các thị trường khó tính hơn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, nâng cao giá tri xuất khấu của gạo Việt Nam.
Đồng thời là nhân tố chủ chốt trong chương trình hợp tác với Mỹ nghiên cứu sản xuất giống gạo làm thưc phẩm chức năng. Gạo này phải đáp ứng được các yêu cầu là có hàm lượng amilo thấp, có chứa một loại enzim cân bằng trí não cho trẻ và đạt được những tiêu chí của một giống thuần không pha trộn. 
Đây là dự án lớn mang tầm quốc tế, nếu thành công, loại lúa này sẽ được trồng tại Việt Nam. Lúc đó, bạn bè thế giới sẽ không chỉ biết đến Việt Nam như một vựa lúa gạo lớn thứ 2 trên thế giới, mà còn là vựa lúa thơm ngọt và dinh dưỡng hàng đầu.
Thành công nhờ điểm tựa gia đình
Khi nhắc đến gia đình, khuôn mặt cô Lang luôn ánh lên một niềm hạnh phúc khôn tả. Cô luôn cho rằng, mình rất may mắn vì có một người chồng tuyệt vời "Sở dĩ mình thành công ngày hôm nay là sự động viên của ông xã", cô thành thật chia sẻ. 
Chồng cô- GS.TS Bùi Chí Bửu là một trong những người thành lập nên Viện lúa ĐBSCL và hiện là Phó giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. Giáo sư Bửu luôn sát cánh đồng hành, tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho cô trên mỗi nẻo đường, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Động lực mạnh mẽ đối với GS.TS. Nguyễn Thị Lang còn là hai người con đáng tự hào. Cô luôn dạy con mình phải biết yêu những cánh đồng, yêu cây lúa và những người nông dân, vì có họ mình mới được no ấm như hôm nay. Vơ chồng người con trai lớn của cô cùng là giảng viên trường Đại học Y dược TPHCM. Còn người con nhỏ đang học lớp 10 tại trường chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ. 
Dù bận rộn đến đâu, dù chồng có đi công tác xa nhà, thì cô Lang vẫn tự tay nấu và sửa soạn bữa tối gia đình, với mâm cơm lúc nào cũng đầy đặn, ngon lành. Với nhà khoa học nữ, đó cũng  là hạnh phúc, là tình yêu mà cô luôn chắt chiu cùng với tình yêu cây lúa.
Bài viết phục vụ “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng”.

Phương Linh(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn