Khi nữ công nhân 'trốn con' đi… trực điện

Chuyện bốn phươngThứ Sáu, 17/11/2023 06:36:22 +07:00
(VTC News) -

Mỗi lần đi trực, nghĩ đến hình ảnh con ở nhà khóc đòi sữa, Trang - công nhân Đội quản lý vận hành Lưới điện cao thế (QLVHLĐCT) Hà Tĩnh không thể kìm lòng.

Chị Dương Huyền Trang là người Quảng Bình nhưng ra Hà Tĩnh làm việc. Mặc dù hai tỉnh sát nhau nhưng quãng đường từ nhà đến đội hơn 70km. Xa là thế nhưng những khi trời nắng ráo, chị vẫn đi làm bằng xe máy. Chỉ lúc trời mưa to, giá rét, chị mới bắt xe khách đi làm cho “đỡ cực”.

Con nhỏ, nhà xa, bố mẹ hai bên lớn tuổi nên chị khá vất vả trong việc cân đối giữa công việc và gia đình. Thế nhưng, cô công nhân nhỏ nhắn vẫn luôn lạc quan: “Cũng may là gia đình tôi cảm thông và chia sẻ. Ở đội, nhiều người còn hoàn cảnh hơn tôi nhiều. Người thì bố mẹ già, ốm đau, người thì chồng làm xa, con nhỏ. Có người bản thân còn bị mắc bệnh trong người. Thế nhưng, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng sắp xếp để cân đối giữa công việc và gia đình”.

Nữ công nhân trực ca vận hành Dương Huyền Trang - Đội QLVHLĐCT Hà Tĩnh.

Nữ công nhân trực ca vận hành Dương Huyền Trang - Đội QLVHLĐCT Hà Tĩnh.

Chị kể, công việc nữ công nhân vận hành không theo giờ giấc hành chính mà phải tuân thủ chế độ ca, kíp rất nghiêm ngặt. Một ngày chia làm 3 ca, ca sáng bắt đầu lúc 7h, ca đêm thì từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Cứ đến lịch trực, dù nắng, mưa, hay bão lũ… nữ công nhân vận hành lại gói ghém hành trang lên đường.

Đặc biệt, làm công việc này phải nắm chắc kiến thức về thiết bị và hệ thống vận hành của trạm, đồng thời phải chủ động, nhanh nhẹn, tháo vát trong mọi tình huống. Trong trường hợp các thiết bị, máy móc gặp sự cố phát nhiệt, máy cắt nhảy, đèn còi báo tín hiệu chạm đất,… người trực phải nhanh nhạy nắm bắt tình hình để đưa ra phương án, giải pháp xử lý kịp thời.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ trực ca, nữ công nhân vận hành cũng sẵn sàng trèo cao để vệ sinh, đóng/cắt thiết bị, máy móc khi có yêu cầu, hiệu lệnh.

Vẫn biết công việc này vất vả và nguy hiểm, chẳng nhẹ nhàng đối với phụ nữ, nhưng rồi vì công việc, vì tình yêu với nghề nên lâu dần cũng thành quen. Trước đây khi mới đi làm, mỗi lần có sự cố xảy ra, tôi hay cuống cuồng, mất bình tĩnh, nhất là khi nghe tiếng máy kêu rầm rầm, tiếng động cơ rung giật, khói bay mù mịt… là tôi giật thót tim.

Nhưng rồi, gắn bó bao năm, giờ lại thấy "ghiền" tiếng ầm ầm, rì rì của máy. Ghiền tới mức mỗi khi có việc xin nghỉ hay ốm đau phải ở nhà, tự nhiên thấy trống vắng, nhớ tiếng máy, nhớ mùi của thiết bị vô cùng” - Trang dí dỏm bộc bạch.

Nữ công nhân trực ca vận hành năng nổ với công việc.

Nữ công nhân trực ca vận hành năng nổ với công việc.

Yêu công việc là thế nhưng đôi khi những ca trực đêm cũng mang đến cho nữ công nhân vận hành lắm thiệt thòi và nỗi niềm mấy ai thấu hiểu. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, thấy những phụ nữ khác xúng xính váy áo đi chơi bên người thân, họ - những trực ca vận hành mang bộ quần áo bảo hộ đôi lúc vẫn cảm thấy chạnh lòng.

Chưa kể, việc vắng bóng người phụ nữ trong gia đình trong đêm giao thừa hay ngày đầu xuân năm mới… cũng nảy sinh những tình huống khó xử khiến nhiều chị em buồn tủi, nước mắt rơi thầm.

Nhưng theo chị Trang, có lẽ nỗi trăn trở và day dứt nhất đối với chị em trực ca đêm đó là giai đoạn nuôi con nhỏ và đang cho con bú. Thời điểm con mới hơn một tuổi, chị đã tham gia trực ca đêm. Khi đó, việc “trốn con” đi làm là điều khó khăn nhất. Nhiều đêm trời mưa rả rích, nằm nhớ con, sữa chực căng trào, nhức đến thấu tim. Nghĩ đến hình ảnh con ở nhà khóc đòi sữa, chị không thể kìm lòng, bật khóc thành tiếng.

Mặc dù không tham gia trực ca, kíp, không phải xa con, vắng nhà qua đêm nhưng chị Nguyễn Thị Huyền Ngọc - Đội quản lý, vận hành tổng hợp Tây Sơn (Điện lực Hương Sơn) lại có những đặc thù công việc và nỗi niềm riêng.

Là “bông hoa” duy nhất trong đội với hơn 20 năm kinh nghiệm “bám lưới” vùng biên, công việc của chị cũng “nặng” chẳng khác gì những nam đồng nghiệp. Được giao nhiệm vụ phụ trách các xã biên giới, khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nhiều địa điểm cách xa trụ sở đội tới 50 km nên mỗi ngày chị Ngọc phải vượt quãng đường hàng trăm cây số để “băng rừng thăm lưới”, xử lý công việc.

Chị Nguyễn Thị Huyền Ngọc - Đội quản lý, vận hành tổng hợp Tây Sơn (Điện lực Hương Sơn) 20 năm "bám lưới" vùng biên.

Chị Nguyễn Thị Huyền Ngọc - Đội quản lý, vận hành tổng hợp Tây Sơn (Điện lực Hương Sơn) 20 năm "bám lưới" vùng biên.

Trải lòng về công việc, chị Ngọc chia sẻ: “Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi rất lo lắng bởi mình phụ nữ chân yếu tay mềm, chẳng biết có làm được công việc nặng nhọc, vất vả như nam giới không.

Nhưng nhờ có sự động viên của lãnh đạo đơn vị, sự hỗ trợ, kèm cặp của anh em, tôi dần thành thạo với công việc của người công nhân quản lý vận hành, từ nghiệp vụ ghi chỉ số, thay thế công tơ định kỳ, thực hiện chỉnh trang 5S, phát quang hành lang,… tôi đều tham gia, chinh chiến cùng anh em trong đội”.

Thời tiết vùng “chảo lửa, túi mưa” Hà Tĩnh vốn khắc nghiệt, ở miền sơn cước càng khắc nghiệt hơn. Làm việc ngoài trời, mùa đông người công nhân điện phải chịu giá rét, sương muối; mùa hè phải đối mặt với nắng nóng, nền nhiệt hơn 40 độ C. Do vậy, có khi chị Ngọc phải lên đường từ 4h sáng để tránh nắng.

Còn mùa mưa, trời sương giăng, chị thường phải đội đèn để đi. Đường sá vùng đồi núi quanh co, nguy hiểm nên những sự cố hỏng hóc, ngã xe… là điều không tránh khỏi.

Nhiều khi một mình đơn độc giữa rừng, lót dạ chỉ bằng một ổ bánh mỳ hay hộp sữa tươi để qua cơn đói… bao lần chị chạnh lòng nghĩ đến sự cơ cực của nghề. Tuy vậy, đảm bảo cung cấp điện ổn định, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân là nhiệm vụ và động lực để chị quyết tâm vượt qua mọi khó khăn.

Với chừng đó thời gian “rong ruổi” cùng đồng nghiệp trên những nẻo đường, tuyến lưới, đôi bàn tay chị Ngọc chai sần theo năm tháng, song vì trót yêu màu áo ngành, chị vẫn luôn cháy hết mình trong công việc, cần mẫn bám lưới, bám nghề, chung tay, góp sức vì dòng điện quê hương. Để rồi, khi trở về với gia đình, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, chị vẫn lo toan chu toàn mọi thứ. Con chăm ngoan, chồng thấu hiểu, công việc hoàn thành, đó là điều chị mong chờ và hạnh phúc hơn tất thảy.

Câu chuyện về nữ công nhân điện 20 năm “bám lưới” vùng biên hay chia sẻ của nữ trực ca vận hành đội cao thế cũng là lời muốn tâm sự của nhiều chị em nữ khác trong ngành điện.

Có thể khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ nữ ngành điện vẫn luôn tự hào với truyền thống của ngành, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, luôn luôn mạnh mẽ, sáng tạo, khẳng định ý chí tự lực, tự cường, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thách thức, xứng đáng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn