Đã bao giờ nằm ngủ và mơ thấy rằng sau một đêm bạn bỗng biến thành tỷ phú? Nếu chưa thì bạn cứ mơ đi vì ai cũng có quyền. Và giấc mơ hoàn toàn không xa tầm tay bởi mới đây nhất một gia đình bình dân ở Trà Vinh đã làm được điều đó.
Chuyện là chị Nguyễn Thị Ánh Đào, một người bán thịt lợn ở Trà Vinh có sở thích chơi xổ số, sau một đêm, bỗng 92 tỷ đồng rơi trúng đầu khi tờ vé số điện toán Vietlott chị Đào vừa mua trùng khớp 100% với kết quả tivi công bố.
Với một gia đình nông dân, 92 tỷ đồng là một con số lớn ngoài sức tưởng tượng. Giờ đây, chỉ cần ngồi nghĩ xem tiêu gì cho hết số tiền đó cũng là một việc làm "hao tâm tổn trí" cho đại gia đình chị Đào.
Hàng nghìn người dân Trà Vinh biết tin gia đình chị Đào trúng số ùn ùn kéo đến chia vui. Nghe đâu, có những người mắc bệnh hiểm nghèo, vác chiếc bụng xơ gan cổ trướng to vượt mặt, vượt hàng trăm cây số đến trước cửa nhà chị Đào chờ xin chút tiền chữa bệnh.
Đương nhiên, kiếm được 92 tỷ đồng sau một đêm nên gia đình chị Đào sẵn sàng hào phóng chi tiền tỷ phân phát cho người dân. Nhận được quà nên cả làng vui như Tết. Giá như địa phương nào cũng có một chị Đào trúng xổ số trăm tỷ thì còn gì tuyệt bằng. Nhìn hàng nghìn người chen chúc ôm gạo, ôm quà, ôm tiền mà phấn khởi, rộn ràng khắp cả một làng quê.
Hòa chung niềm vui mừng, phấn khởi của bà con Trà Vinh, một bộ phận cán bộ ở Hà Nội cũng "tranh thủ lấy quà" trong một buổi tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhưng lần này, thay vì đi xin như bà con nông dân nghèo, muốn có quà, những vị cán bộ này phải tranh nhau và tham gia "cướp".
Sáng 21/10, tại trụ sở Bộ KH&CN, Thanh tra Bộ phối hợp với Đội chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội tổ chức tiêu hủy 2.349 sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính, là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Đây là những sản phẩm thời trang vi phạm hành chính và bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính là các loại túi xách, ví da, dây lưng, đồng hồ, vòng đeo tay... nhái lại sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Hermes, H&M, Louis Vuitton… đều bị tiêu hủy.
Tuy nhiên, khi người chủ trì vừa tuyên bố lý do lên án hàng giả, chưa kịp chuyển hàng đi tiêu hủy, hàng trăm cán bộ có mặt trong hội trường bất ngờ nhao lên sân khấu lựa cho mình những món đồ ưng ý nhất.
Xem xong video, nhiều người tặc lưỡi: "Hàng đẹp như vậy mà mang tiêu hủy thì phí của trời". Và rất có thể, khi những hình ảnh ấy "lọt" vào mắt những kẻ chuyên sản xuất hàng giả, chúng sẽ đề ra được chiến dịch hay ho khi nắm bắt được "thị hiếu của nhóm tiêu dùng" toàn là công chức này!
Trong một bài phỏng vấn với PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) về hai sự kiện này mới thấy đời sống của đại bộ phận người dân ta còn thiếu thốn quá. Vẫn còn nhiều người nghèo phải đi ăn xin, người giàu thì phải đi "cướp".
Đời sống xuống thấp đến mức nào đó thì nhân cách người ta nó cũng thấp như vậy.
PGS.TS Lê Quý Đức
Theo quan điểm của PGS.TS Lê Quý Đức: "Đời sống xuống thấp đến mức nào đó thì nhân cách người ta nó cũng thấp như vậy".
Ông lấy ví dụ về người Nhật Bản: "Họ không có ý thức xin của người khác và cũng không có ý thức muốn lấy của người khác thành cái của mình là vì đời sống người ta đã cao rồi".
"Chừng nào người dân còn hồ hởi khi nhận "bố thí" từ người giàu, người giàu vẫn phải đi tranh cướp thì chứng tỏ chúng ta đang sống trong một xã hội chưa văn minh nếu chưa muốn nói là kém phát triển", PGS.TS Lê Quý Đức nói.
Bệnh nhân xơ gan cổ trướng ở Trà Vinh vác bụng đến xin tiền từ thiện nhà chị Đào thì chắc chắn là nghèo khó. Tuy nhiên, những người có mặt trong buổi tiêu hủy hàng nhái tại Bộ Khoa học & Công nghệ ngày 21/10 thì chắc chắn không nghèo, nếu không muốn nói là giàu có và đầy đủ tri thức.
Xã hội của chúng ta vẫn xảy ra tình trạng ấy vì phản ánh đúng bản chất của một đất nước nghèo, đang ở giai đoạn là một xã hội nông dân, nông thôn, nông nghiệp chưa được biến đổi tương xứng, hoặc là nó chưa được biến đổi hoàn toàn.
Bởi vậy, điệp khúc người nghèo đi xin, người giàu đi cướp, người sản xuất hàng nhái tặc lưỡi: "Đen thôi, đỏ quên đi" chắc chắn còn tiếp tục tái diễn.
Video: Xấu hổ cảnh tranh cướp hàng nhái chuẩn bị tiêu hủy tại Bộ Khoa học & Công nghệ
Bình luận