• Zalo

Khi kiện cáo đã thành bệnh của ngành điện ảnh

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 20/04/2012 12:28:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sau vụ Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, NSƯT Đặng Xuân Hải bị tố "khai man" hồ sơ xin NSND. Hôm qua, cựu Chủ tịch Hội, Trần Luân Kim cũng bị “tố” đạo văn.

(VTC News) - Sau vụ đương kim Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, NSƯT Đặng Xuân Hải bị khiếu nại về việc thiếu trung thực trong khi làm hồ sơ xin phong tặng danh hiệu NSND, mới đây nhất, cựu Chủ tịch Hội – PGS.TS Trần Luân Kim – cũng bị “tố” đạo văn.

Bao giờ cho hết kiện cáo?

Liên tiếp các lùm xùm liên quan tới lãnh đạo cũ và mới của Hội Điện ảnh VN. Đương kim Chủ tịch Hội, NSƯT Đặng Xuân Hải bị ông Trần Hinh – đại tá, nguyên đạo diễn Xưởng phim Quân đội và ông Doãn Huyến – thiếu tá, nguyên quay phim của Xưởng phim này, hai lần làm đơn khiếu nại về việc thiếu trung thực trong khi làm hồ sơ xin phong tặng danh hiệu NSND. Đến hôm qua (19/4), đến lượt cựu Chủ tịch Hội – PGS.TS Trần Luân Kim - bị “tố” đạo văn.

Bức thư nặc danh của một nghệ sĩ gửi báo chí vào ngày 19/4 có viết: “Tiếp theo vụ ông Đặng Xuân Hải, đương kim Chủ tịch Hội Điện ảnh VN bị tố khai báo không trung thực để được nhận danh hiệu NSND và giải thưởng Nhà nước hiện đang nóng trên các báo thì đến lượt PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN  bị tố là đạo văn trong cuốn sách về Nghệ thuật điện ảnh mới xuất bản năm ngoái.

Ông Trần Luân Kim đã đăng ký dự xét Giải Cánh diều ở hạng mục các công trình Lý luận phê bình tháng 3 vừa qua, nhưng vì bị ông Hoàng Vân, nghiên cứu viên của Viện Phim VN gửi đơn kiện tới Hội Điện ảnh VN nên ông Kim đã rút tác phẩm đó lại và không dự Giải Cánh diều nữa. Tuy nhiên, hiện ông Hoàng Vân vẫn tiếp tục yêu cầu Hội ĐA VN làm cho ra nhẽ vụ đạo văn này…”.

Hôm qua (19/4), cựu Chủ tịch Hội – PGS.TS Trần Luân Kim – đã bị “tố” đạo văn. 

Câu chuyện kiện cáo của ngành điện ảnh đã từng khiến dư luận cả nước chú ý trong vụ hàng loạt nghệ sĩ lão thành làm đơn kiến nghị xem xét vụ thất thoát hơn 42 tỷ đồng tại Cục điện ảnh. Vụ việc này đã khiến cho những ai quan tâm đến ngành điện ảnh nước nhà thấy được những góc khuất của ngành. Và cũng từ vụ kiện tụng này, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Lại Văn Sinh đã phải xin từ chức, và nguyên Cục phó, Lê Ngọc Minh đã bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây thất thoát tài sản nhà nước.

Chuyện nhức nhối, trì trệ và những tồn tại của điện ảnh nước nhà đã được nhắc đến từ khoảng hơn chục năm nay, qua vụ kiện cáo thất thoát ở Cục điện ảnh, một lần nữa lại được bóc trần ra trước công luận. Những hội thảo do Hội điện ảnh cũng như Cục điện ảnh tổ chức chỉ loay hoay xoay quanh chủ đề “Thực trạng và giải pháp của nền điện ảnh nước nhà”. Nhưng xem ra sau những buổi “Hội nghị Diên Hồng” của ngành điện ảnh ấy, dường như những rạn nứt nội tại trong chính những nghệ sĩ điện ảnh có vẻ khó hàn gắn.

Sau khi châm ngòi cho vụ nổ “42 tỷ” ở Cục điện ảnh, điện ảnh và những nghệ sĩ điện ảnh đang bị lạc trong những kiện tụng lẫn nhau. Câu chuyện đáng buồn khi mỗi năm, nền điện ảnh nhà nước, với hàng nghìn con người chỉ cho ra lò được 2 phim!

Đâu là giới hạn của kiện tụng?

Trở lại câu chuyện cựu Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, PGS.TS Trần Luân Kim bị “tố” đạo văn.

Cuối năm 2011, Hội Điện ảnh VN xuất bản cuốn Nhận thức điện ảnh của tác Trần Luân Kim. Đây là cuốn sách lưu hành nội bộ nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập cho hội viên. Cuốn sách này nằm trong Tủ sách lý luận, phê bình do Hội Điện ảnh VN thực hiện với gần chục đầu sách đã ấn hành từ năm 2000 tới nay. Nhận thức điện ảnh là cuốn sách được ông Trần Luân Kim viết từ lúc bắt đầu nghỉ làm việc tại Hội điện ảnh VN năm 2010. Ông Trần Luân Kim cũng tình nguyện viết sách không nhận nhuận bút.

Chuyện lùm xùm xảy ra khi Nhận thức điện ảnh được đăng ký dự giải Cánh diều 2011 vừa qua. Ngay sau khi biết tin cuốn sách có khả năng được trao giải (hạng mục Lý luận và phê bình điện ảnh), ông Trần Luân Kim đã xin rút tên khỏi giải.

Lý do là ông đã vấp phải những kiện cáo từ phía ông Phạm Hải Vân.

Theo khiếu nại từ phía ông Phạm Hải Vân thì: Ở thông tin giới thiệu về Hoạt động văn học, nghệ thuật của PGS.TS Trần Luân Kim trong lời đề tựa cuốn sách Nhận thức điện ảnh đã không chính xác khi liệt kê rằng ông Kim từng chủ biên các công trình: Đạodiễn điện ảnh thế giới, Diễn viên điện ảnh VNGiai thoại và chuyện vui điện ảnh sân khấu (đều do Viện NT&Lưu trữ Điện ảnh VN xuất bản vào trong những năm 1990)….

Ngay sau khi nhận được những phản hồi về sự thiếu chính xác này, ông Trần Luân Kim đã thư gửi Hội Điện ảnh VN đính chính về việc ông không chủ biên Diễn viên điện ảnh VN Giaithoại và chuyện vui điện ảnh sân khấu. Tức là ông chỉ chủ biên cuốn còn lại: Đạo diễn điện ảnh thế giới.

Ông Trần Luân Kim (thứ 2 từ trái sang) trên sân khấu LHP Việt Nam 16 

Nhưng, sự việc không dừng lại! Đến ngày hôm qua, bức thư nặc danh trên đã xới vụ này lên một lần nữa. Thực tế, cả ba cuốn sách trên do ông Phạm Hải Vân (người mà trong thư nặc danh nhầm lẫn là Hoàng Vân) đảm nhận vai trò biên tập chính. Cho đến nay, ông Phạm Hải Vân chưa chính thức gửi đơn kiện với Hội Điện ảnh VN.

Song ông Phạm Hải Vân có trao đổi với lãnh đạo hội về việc nhầm lẫn này. Ông Vân tỏ ra bức xúc vì trong cuốn Nhận thức điện ảnh, ông Trần Luân Kim đề là chủ biên cuốn sách Đạo diễn điện ảnh thế giới.

Đáng nói là trên cuốn sách xuất bản năm 1995 này ghi rõ: Chủ biên: Trần Luân Kim, Biên tập chính: Phạm Hải Vân. Nhưng về phía mình, ông Vân cho rằng việc đó là sai sự thật. Theo ông Vân, sự thật là ông Trần Luân Kim có tham gia, có ủng hộ và đồng tình vào giai đoạn cuối cùng của cuốn sách khi nó đã đi được 4/5 chặng đường. Vì thế, theo ông Vân, sự tham gia chuyên môn của ông Kim về công việc và chuyên môn của cuốn sách không đúng với tư cách và công việc thực chất của chủ biên…

Theo những gì ông Vân kiến nghị với lãnh đạo Hội điện ảnh VN thì ông Kim phải rút tên chủ biên cuốn Đạo diễn điện ảnh thế giới… Nhưng quả thật yêu cầu này đã nằm ngoài khả năng giải quyết của Hội. Bởi cuốn sách đã xuất bản từ 17 năm trước. Thực hư trong chuyện này, không ai có thể rõ được, ngoài hai ông Phạm Hải Vân và Trần Luân Kim.

Ông Phạm Hải Vân đã từng là cán bộ cấp dưới của ông Trần Luân Kim tại Viện phim VN. Sở dĩ những khúc mắc sau 17 năm ngày cuốn Đạo diễn điện ảnh thế giới xuất bản bây giờ mới được khui ra bởi theo ông Vân thì “những gì sai thì phải sửa”, và vì trước đây “ông hèn nên không dám nói ra".

Đúng lúc giới điện ảnh rơi vào trạng thái bi quan nhất thì chính những người trong cuộc lại quay ra kiện tụng nhau vì những chuyện xưa cũ, thậm chí là không có nhiều giá trị với đời sống điện ảnh hiện tại.

Đúng là “sai thì phải sửa”, nhưng thiết nghĩ, việc kiện tụng cũng nên có điểm dừng và đặt đúng thời điểm.

Đàm Mộng Hoài


Bình luận
vtcnews.vn