• Zalo

Khi Hoa hậu Việt Nam không thể là người Hà Nội

Tâm sựThứ Bảy, 14/08/2010 06:29:00 +07:00Google News

(VTC News) - Dù cô đẹp đến đâu, xuất sắc đến đâu, nếu cô đoạt vương miện, vẫn sẽ có nhiều người mỉa mai: “Vì Nghìn năm Thăng Long đó mà!"

(VTC News) - Cái đẹp còn tùy theo con mắt nhìn của mỗi người, và dù cô đẹp đến đâu, xuất sắc đến đâu, nếu cô đoạt vương miện, vẫn sẽ có nhiều người ca bài ca muôn thuở: “Thí sinh thủ đô mà lại! Kỉ niệm nghìn năm Thăng Long chứ sao!”

Hôm qua, tình cờ tôi đọc được trên diễn đàn mạng một chủ đề như sau: “Lê Thu Huyền Trang - SBD 269 đến từ Hà Nội sẽ đạt danh hiệu hoa hậu VN 2010 vì năm nay là năm của Hà Nội!” Dĩ nhiên, đó là một tiêu đề mang tính chất đùa giỡn.

 

Vâng, chỉ là một câu nói đùa thôi, nhưng tôi thấy chạnh lòng. Không phải vì tôi lẩm cẩm hay cả nghĩ. Nếu bạn là người con của đất Hà thành, bạn có chạnh lòng không, khi các cư dân mạng khác tiếp tục bình luận: “Vì 1000 năm Thăng Long thì “khiêm tốn” tí vẫn ổn”, “Lại giống vụ "đường lên đỉnh Olympia" mà thôi...”

 

À, vậy đấy! Có những lúc, thật khổ khi làm người Hà Nội!

 

Có lẽ chưa năm nào, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lại khổ như năm nay, chịu “búa rìu dư luận” như năm nay. Chẳng có gì sai khi đòi hỏi sự chuẩn mực trong một cuộc thi đỉnh cao; nhưng người ta lại đẩy vấn đề đi xa hơn thế, khi đua nhau khẳng định em Đức đã được ưu ái vì em là học sinh trường Ams, vì năm nay là Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

 

Chưa năm nào, chức vô địch Olympia lại gây tranh cãi như năm nay (Ảnh chụp từ màn hình)

Có ai để ý rằng, cũng chính vì là Amser, là học sinh Hà Nội, mà Đức đã bị “soi” nhiều hơn, chịu áp lực lớn hơn những thí sinh khác hay không? Có ai nhớ ra rằng ít nhất 60% thí sinh không trả lời được câu hỏi tiếng Anh trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia, và thậm chí trong một phần thi Tăng tốc, có em đã đánh sai cả một từ đơn giản đến không thể đơn giản hơn, như World Cup? Có ai lên tiếng trước đó rằng cách phát âm của các em trong chương trình này quá tệ, và BTC hình như chưa từng đặt ra một yêu cầu gì cho vấn đề phát âm? Không, chẳng ai lên tiếng, lặng im mặc nhận, cho đến khi một cậu bé Amser bước lên đỉnh vinh quang bằng một câu hỏi tiếng Anh. Tôi không nói việc chỉ ra lỗi sai đó là có vấn đề, thậm chí tôi ủng hộ mọi sự chuẩn hóa; nhưng vấn đề là tại sao chỉ khi cậu bé ấy mắc lỗi, người ta mới lên tiếng?!

 

Khó hiểu hơn nữa, khi rõ ràng cậu bé đang dẫn đầu và chỉ bằng điểm với thí sinh về nhì nếu – bị - trừ - điểm ở câu hỏi đó; và ngay cả nếu có bị trừ điểm để phải bước vào câu hỏi phụ, khả năng vô địch của em vẫn là 50%; thế nhưng cái cách dư luận nhìn nhận vấn đề cứ như thể Đức đã được BTC bênh vực để “cướp trắng” giải Nhất của thí sinh về nhì. Ai, nếu không phải chính em, đã giúp em vượt qua vòng thi tuần, tháng, quý để có mặt ở trận chung kết? Ai lường trước được em sẽ đang dẫn đầu khi trận chung kết chỉ còn một câu hỏi cuối cùng, và sẽ bấm chuông để giành quyền trả lời thay một – thí – sinh – khác không trả lời được? Vậy thì, ai là người trong khoảnh khắc có thể quyết định và kịp “chỉ đạo” để đưa thí sinh Hà Nội lên ngôi nhằm phục vụ chiến dịch Nghìn năm Thăng Long, như một số người “tưởng tượng” ra?!

 

Giờ lại đến Lê Thu Huyền Trang, cô gái xinh đẹp đến từ Hà Nội. Người dân thủ đô tự hào về thành phố của mình chẳng phải vì cao ngạo: niềm tự hào ấy giống như tôi tự hào về Việt Nam, vì tôi là người Việt Nam, tôi yêu quý và trái tim tôi “thiên vị” nơi mình sinh ra, lớn lên, có vậy thôi. Là người Hà Nội không có tội gì. Nhưng trong trường hợp này, là người Hà Nội, hình như là một cái “tội”.

Huyền Trang là một trong những thí sinh nổi bật của HHVN 2010 

Chẳng phải “tội lỗi”, mà là “tội nợ”! Bản thân tôi không đánh giá Huyền Trang là ứng cử viên số 1 cho danh hiệu Hoa hậu năm nay; nhưng với những dư luận như thế này, thì ngay cả có là số 1 đi nữa, vẫn sẽ có một áp lực vô hình đối với BGK khi chấm điểm cho cô. Bởi lẽ, cái đẹp còn tùy theo con mắt nhìn của mỗi người, và dù cô đẹp đến đâu, xuất sắc đến đâu, nếu cô đoạt vương miện, vẫn sẽ có nhiều người ca bài ca muôn thuở: “Thí sinh thủ đô mà lại! Kỉ niệm nghìn năm Thăng Long chứ sao!”

 

Tôi nhớ đến một câu chuyện đã đọc cách đây nhiều năm, chuyện về thời bao cấp, cậu con trai nọ làm việc ở xí nghiệp do bố mình làm giám đốc. Ông giám đốc nổi tiếng “liêm khiết”, “chí công vô tư”. Ông “vô tư” đến nỗi, dù cậu con trai chăm chỉ đến đâu, xuất sắc đến đâu, cống hiến đến đâu, ông cũng không cho thăng chức, không cho vào Đảng vì sợ người ta dị nghị! Đối với những trường hợp đó, muốn có cơ phát triển, cậu con trai có lẽ nên tìm cho mình đơn vị khác.

 

Và có lẽ, để hết những lời dị nghị, cách duy nhất là các cô gái Hà Nội đừng nên đi thi trong một năm “nhạy cảm” thế này! Nhưng ai có quyền cấm họ tỏa sáng cùng với những người con gái Việt khắp các tỉnh thành để cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam? Và “nghìn năm hương sắc” có trọn vẹn được không khi thiếu đi hương sắc Hà thành?

 

Mỗi cá nhân là một phần của tất cả, mỗi người con Hà thành là một phần của đất kinh kì, mỗi thành tích họ đạt được là một bông hoa tô thắm thêm cho ngày hội lớn. Nhưng một chức vô địch Olympia, hay thậm chí một danh hiệu Hoa hậu Việt Nam cũng chỉ là bông hoa rất, rất nhỏ thôi, so với những gì mà những người con Hà Nội đang làm được ở khắp nơi trên đất nước này và trên thế giới, trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Chẳng ai dùng chỉ một bông hoa nhỏ để trang trí cho ngày Đại lễ, phải không bạn thân mến? Vậy thì, khi những “bông hoa” Hà Nội có tình cờ nở đúng năm nay, năm 2010, đúng dịp đất văn vật tròn 1000 năm tuổi, xin cũng đừng ai vội nghĩ ngay rằng những bông hoa ấy đã được “lobby” để khoe hương, khoe sắc!

 

Mai Anh

 


Bình luận
vtcnews.vn