Trong đó, đây được coi là yếu tố then chốt quyết định tới sự thịnh vượng của bất cứ quốc gia nào.
“Đi học có lương”
Một khảo sát từ 15 trường Đại học hàng đầu tại Việt Nam có ngành đào tạo về Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật Công nghệ cho thấy, số lượng học viên sau đại học ở các ngành mà Việt Nam rất cần trong các năm tới giảm rất sâu thời gian qua, chỉ còn chiếm 7-10% trong toàn hệ thống. Thực trạng này đặt ra thách thức lớn khi Khoa học Công nghệ được cho là lĩnh vực có thể giúp Việt Nam có sự phát triển đột phá trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.
Lý giải về thực trạng này, các chuyên gia giáo dục cho biết có hai lí do cơ bản. Một là ở Việt Nam, rất nhiều người vẫn coi tấm bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ như một “cuốn hộ chiếu” để tìm kiếm cơ hội…thăng quan tiến chức. Do đó họ thường chọn học các chuyên ngành ít đòi hỏi chuyên môn nghiên cứu khoa học cho dễ làm.
Đó cũng là lí do giải thích vì sao số người theo học sau đại học lĩnh vực Khoa học Công nghệ giảm rất sâu, nhưng ở các ngành khác lại vẫn giữ ổn định, thậm chí tăng trong những năm gần đây. Hai là, chính sách hỗ trợ học viên cao học của Việt Nam chưa hiệu quả.
Người có nhu cầu học lên cao phải tự túc chi phí học tập cao hơn nhiều bậc đại học. Trong khi đó “đầu ra” lại không chắc chắn khiến sinh viên ra trường thường chọn giải pháp đi làm kiếm tiền hơn là hướng tới mục tiêu học thuật chuyên sâu.
Theo PSG Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nếu không có các giải pháp kịp thời để giải quyết thực trạng này, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh ở các lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, 78% các tập đoàn được khảo sát cho rằng yếu tố hàng đầu để chọn địa điểm đầu tư là chất lượng nguồn nhân lực, tiếp theo mới là chi phí cho sản xuất và chính sách, thể chế để hỗ trợ môi trường đầu tư kinh doanh.” – PGS Sơn nói. Nếu để xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao, Việt Nam sẽ gặp bất lợi lớn trong sự phát triển chóng mặt của kinh tế toàn cầu.
GS Vũ Hà Văn (Khoa Toán ĐH Yale, Hoa Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Tập đoàn Vingroup) cho rằng, một trong những giải pháp để thu hút người giỏi theo học sau đại học là cấp “lương” cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh xuất sắc.
Giải pháp này sẽ đảm bảo cho người giỏi chuyên tâm vào học tập, nghiên cứu để thực sự trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như Khoa học, Công nghệ và Y dược. Hiện Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup do GS Văn làm Giám đốc khoa học đang chuẩn bị triển khai chương trình “đi học có lương” như vậy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học trong nước.
Trước đó, Vingroup cũng đã công bố chương trình “Học bổng KHCN đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ du học nước ngoài” với quy mô lên tới hàng ngàn tỉ đồng, được dư luận đánh giá rất cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Tạo ra cú hích với tư duy “mở”
Cũng theo GS Vũ Hà Văn, ở nhiều nước, học bổng dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh có thể coi là khoản đầu tư dài hạn giúp quốc gia đó có nguồn nhân lực chất lượng cao để đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Học bổng phần lớn đến từ Chính phủ, nhưng bên cạnh đó còn có sự đóng góp không hề nhỏ từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Đó cũng là một trong những lý do ra đời của “Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước” do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) do GS Văn làm Giám đốc Khoa học, tài trợ.
Chương trình sẽ cấp “lương” cho 100 học viên cao học, nghiên cứu sinh xuất sắc với mức hỗ trợ học tập lên đến 120 triệu đồng/năm cho học viên cao học, 150 triệu đồng/năm cho nghiên cứu sinh. Bên cạnh học bổng hỗ trợ học tập, Quỹ VINIF còn hỗ trợ thêm kinh phí để học viên cao học và nghiên cứu sinh đã nhận học bổng hỗ trợ học tập tham dự các hội nghị quốc tế.
“Chương trình học bổng này sẽ hỗ trợ tài chính cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc thuộc các chuyên ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Y dược để họ thực sự chuyên tâm với công việc học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, chương trình không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào với người học sau khi tốt nghiệp” – GS Vũ Hà Văn nói. GS Văn cũng cho rằng, với mức “lương” 10 – 12 triệu đồng mỗi tháng trong thời gian đào tạo, các nhà khoa học trẻ có thể yên tâm tập trung hoàn toàn vào học tập, nghiên cứu để có những thành tựu vượt trội.
Đây không phải lần đầu tiên Tập đoàn Vingroup đưa ra một chương trình học bổng nhằm phát triển tài năng Việt trong các lĩnh vực trọng điểm của đất nước. Ngay đầu tháng 3/2019, Vingroup đã công bố “Chương trình Học bổng Khoa học Công nghệ đào tạo Thạc sĩ - Tiến sĩ du học tại nước ngoài” để tài trợ cho các nhà khoa học trẻ có tiềm năng theo học tại các đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ.
Chương trình học bổng trong nước của Vingroup khác biệt ở chỗ, người được nhận học bổng không bị ràng buộc phải làm ở Vingroup mà có thể chọn làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu công lập tại Việt Nam. Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Vingroup, mong muốn xây dựng đội ngũ nhà khoa học, trí thức trẻ và năng động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.
Các chương trình học bổng của Tập đoàn Vingroup mới công bố gần đây đã cho thấy vai trò của các doanh nghiệp lớn trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách dài hạn và bài bản, hướng tới hiệu quả bền vững. Tất nhiên, một cánh én không thể làm nên mùa xuân.
Nhưng tinh thần tiên phong của những doanh nghiệp dám chủ động đứng ra gánh vác trách nhiệm xã hội như Tập đoàn Vingroup sẽ trở thành động lực và nguồn cảm hứng để nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam cùng chung sức đóng góp thiết thực cho sự phát triển đất nước thông qua chiến lược trồng người.
Chỉ khi có nhiều tổ chức, doanh nghiệp “xắn tay” cùng nhà nước tài trợ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy, Việt Nam mới có được sức mạnh cạnh tranh trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0, khi tài nguyên và nhân công giá rẻ sẽ không còn là thế mạnh trong quá trình chuyển đổi số đang phát triển như vũ bão trên toàn thế giới.
Bình luận