• Zalo

Khẩu chiến về biển đảo, Argentina gọi Anh là 'thực dân'

Thế giớiThứ Năm, 19/01/2012 04:48:00 +07:00Google News

Chính phủ Argentina đã đáp trả mạnh mẽ các tuyên bố mới đây của Thủ tướng Anh David Cameron và cho rằng chính London đang áp dụng quan điểm “thực dân”.

Chính phủ Argentina đã đáp trả mạnh mẽ các tuyên bố mới đây của Thủ tướng Anh David Cameron và cho rằng chính London áp dụng quan điểm “thực dân” trong cuộc xung đột lịch sử giữa hai bên về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas mà phía Anh gọi là Falkland.

Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn phát biểu ngày 18/1 của Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman cho biết, London cáo buộc chủ nghĩa thực dân cho Buenos Aires khi chính bản thân nước này đồng nghĩa với chủ nghĩa thực dân. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Argentina Florencio Randazzo cũng chỉ trích những bình luận của Thủ tưởng Cameron, cho rằng cáo buộc trên của London "hoàn toàn xúc phạm" đến Buenos Aires.

 

Trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu tại Hạ viện Anh, Thủ tướng Cameron đã nhấn mạnh rằng London sẽ hỗ trợ quyền tự quyết của các cư dân trên quần đảo Malvinas (có dân số khoảng 3.000 người) và chỉ trích quan điểm của Buenos Aires "mang tính thực dân hơn" trước việc nước này phát động một chiến dịch kêu gọi các nước Nam Mỹ không chấp nhận các tàu mang cờ Falkland cập cảng. Brazil, Uruguay và Chile đã khẳng định ủng hộ đề nghị trên của Argentina.

Tuyên bố của Thủ tướng Cameron đã làm gia tăng căng thẳng giữa Argentina và Anh, đồng thời phủ bóng đen lên chuyến thăm chính thức Brazil của Ngoại trưởng Anh William Hague. 

Phát biểu trong buổi tiếp Ngoại trưởng Anh, Ngoại trưởng Brazil Antonio Patriota khẳng định các nước Mỹ Latinh sẽ luôn ủng hộ chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Malvinas và hỗ trợ các nghị quyết của Liên hợp quốc trong việc kêu gọi hai bên duy trì các cuộc đàm phán về vấn đề này. 

Quần đảo Malvinas nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650km và cách Anh gần 8.000km, với tổng diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000km2. Quần đảo này bị quân đội Anh chiếm bằng vũ lực năm 1833. Năm 1982, Argentina đã tấn công quân đội đồn trú của Anh và chiếm lại được quần đảo này trong 74 ngày, nhưng sau đó lại bị đánh bại. 

Cuộc xung đột vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của 649 binh sỹ Argentina và 255 lính Anh. Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, tuy nhiên London cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại vùng lãnh thổ này.

Theo Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn