Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi quân đội Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch phun rải hơn 80 triệu lít chất da cam xuống Việt Nam nhưng hậu quả nặng nề của nó vẫn tồn tại đến bây giờ.
Chất da cam có chứa dioxin - độc chất kinh khủng nhất mà loài người biết đến, đã tàn phá môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam trong hàng chục năm. Chất độc này đã khiến 4.8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết hoặc đang vật lộn với đau khổ, bệnh tật hiểm nghèo.
Ngày 10/8 tại Lễ mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016), chia sẻ với phóng viên, chị Phạm Thị Nhí (50 tuổi, quê ở Tam Lộc, Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, do bị di nhiễm chất độc hóa học từ người cha, chị bị dị tật bẩm sinh, liệt nửa người, vẹo cột sống từ lúc chào đời.
“Chính vì thân hình không bình thường từ khi được sinh ra đã khiến tôi lớn lên trong mặc cảm, tự ti với bạn bè, xã hội”, chị Nhí tâm sự.
Tuy vậy, ở người phụ nữ nhỏ bé này luôn bùng cháy khát vọng sống một cuộc đời có ý nghĩa, một khát khao hạnh phúc giản dị như bao người.
“Tôi ước ao được chạy nhảy, vui đùa, nhảy múa hát ca cùng bạn trang lứa. Tôi ước mơ trở thành cô giáo, tôi mơ có một mái ấm gia đình luôn rộn tiếng cười của những đứa con khỏe mạnh… Nhưng những ước mơ đó chỉ là giấc mơ. Đến bây giờ, tôi vẫn là phụ nữ “ba không””, chị Nhí nghẹn ngào nói.
Tâm sự về “ba không” chị Nhí chia sẻ, không đầu tiên là không có nhà, thứ hai là mặc cảm tật nguyền và nghèo nên chị không dám có mối tình nào. Không thứ ba là không chồng.
“Tôi không thể có một đứa con khi nghĩ rằng ra đời nó sẽ không lành lặn giống mình. Dù có khoa học hiện đại tầm soát, nhưng người mẹ nào đành lòng rũ bỏ con mình khi còn trong trứng nước”, chị Nhí rơm rớm nước mắt.
Cùng gặp hoàn cảnh có con bị dị tật bẩm sinh bởi di truyền từ người chồng bị nhiễm chất độc da cam, bà Nguyễn Thị Hòa, ở phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, con gái bà năm nay được 30 tuổi, thân hình phát triển như người bình thường nhưng bị thiểu năng trí tuệ. Mọi công việc vệ sinh cá nhân không chủ động được mà đều phải do người thân trong gia đình phụ giúp.
“Lúc còn nhỏ, con vẫn ăn và phát triển bình thường, đến khi cháu được khoảng 1 năm, bạn bè cùng trang lứa thì chập chững bước đi nhưng con tôi vẫn nằm. Đến khi 25 tháng tuổi con mới chập những những bước đi đầu tiên”, bà Hòa nói.
Cũng theo bà Hòa, ngay từ khi còn nhỏ con gái bà đã bị co giật nhưng với tần suất ít, mỗi lần bị co giật khoảng vài phút là hết, một ngày có thể bị 1 lần. Tuy nhiên, càng lớn cô lại càng bị co giật nhiều hơn, có khi đến hàng giờ, nhiều hôm co giật cả ngày.
“Bây giờ còn khỏe, tôi còn lo và chăm cho cháu được, nhỡ sau này già yếu và mất đi không biết ai sẽ chăm con”, bà Hòa nghẹn ngào nói.
Đó chỉ là 2 trong hàng triệu các trường hợp bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Hiện nay, ở Việt Nam có 3 triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong đó thế hệ thứ hai là khoảng 200.000 người, thế hệ thứ 3 là 80.000 người, nhiều địa phương có thế hệ thứ 4 bị phơi nhiễm.
Chiến tranh đã qua đi rất lâu nhưng hậu quả của nó vẫn còn tồn tại, những nạn nhân bị ảnh hưởng và gia đình họ luôn chờ đợi những biện pháp khắc phục hậu quả rõ ràng nhất, thiết thực nhất.
Video: Nín thở xem trái tim đập sau ghép từ người hiến tạng
Bình luận