• Zalo

Khảo sát đề xuất bắt buộc công dân hiến máu: Gần 70% phản đối

Sức khỏeThứ Hai, 09/01/2017 17:22:00 +07:00Google News

Gần 70% số người dân được khảo sát không đồng tình với việc bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 lần/năm.

Sáng 9/1, Bộ Y tế đã công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc cho báo chí. Theo đại diện Bộ Y tế, có hai phương án, một là quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần, nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; hai là phương án hai là quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu như hiện nay.

du thao luat bat buoc hien mau

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự chương trình hiến máu nhân đạo Ngày hội Chủ nhật Đỏ 2017.

Khi dự thảo này được đưa ra, có nhiều quan điểm trái chiều từ phía dư luận, đa phần là phản đối bởi vì nếu đưa ra chế tài xử lý và buộc người dân phải đi hiến máu thì không được gọi là hiến máu “tình nguyện”.

Ngoài ra, việc bắt buộc đi hiến máu có thể vi phạm Thông tư số 26/2013/TT-BYT, về việc hướng dẫn hoạt động truyền máu. Các chuyên gia trong Bộ Y tế cũng cho rằng, không nên ép buộc người dân hiến máu, họ cũng nghiêng về phương án hai là quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi phí vận động hiến máu.

Video: 45 phút hiến máu bạn cứu được 3 người bệnh

Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, BSCK II Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương cho rằng, chỉ nên khuyến khích người dân đi hiến máu tình nguyện, tuy việc hiến máu là trách nhiệm của cả cộng đồng, nhưng nếu đưa ra luật bắt buộc từng người thì rất khó để áp dụng, không phù hợp.

Ngoài ra, BS Dương cũng cho biết, hiện nay máu khi được lấy ra từ cơ thể người chỉ có thể bảo quản tối đa trong vòng 42 ngày, nếu dự thảo này áp dụng phương án bắt buộc người dân đi hiến máu thì việc lấy máu có thể diễn ra ồ ạt, khó cho việc bảo quản máu, sẽ lãng phí máu.

“Lượng máu hằng năm nhận về, theo chúng tôi thống kê, đều tăng so với năm trước. Mỗi năm, khoảng tháng 3, tháng 5, có nhiều chương trình tuyên truyền người dân tham gia hiến máu tình nguyện, chúng tôi đôi khi phải hãm lại việc lấy máu vì lúc đó lượng máu đổ về quá nhiều, như thế sẽ xảy ra tình trạng thừa máu, không bảo quản hết được. Chúng tôi nghĩ nên cần máu đến đâu sẽ lấy đến đó theo kế hoạch hằng năm hơn là việc lấy ồ ạt, gây lãng phí”.

Theo thống kê, chỉ tính trong năm 2016 vừa qua, cả nước tiếp nhận gần 1,2 triệu đơn vị máu, tỷ lệ dân số hiến máu đạt xấp xỉ 1,5%. Lượng máu trên đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng tại các địa phương. Điều đáng mừng là năm 2016 vừa qua chưa một ngày nào các bệnh viện thiếu máu điều trị.

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc nhận thấy việc quy định bắt buộc công dân phải thực hiện hiến máu 1 lần/năm là không phù hợp nên không thể đưa vào Dự thảo.

Ngoài ra, phương án hai là quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu được Bộ Y tế lựa chọn. Còn việc có thông tin là “’bắt buộc” người dân hiến máu đó là trong thảo luận, đưa ra giải pháp có ý kiến như vậy. Sau khi đưa ra và lấy ý kiến mới quyết định chọn nội dung nào phù hợp”.

Cùng đó, sau khi đánh giá, nghiên cứu xã hội học trên 1.600 người dân tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng trong thời gian về dự thảo “bắt buộc” người dân đi hiến máu 1 lần/năm, chỉ có 30,25% đồng ý; có 837 người không đồng ý với giải pháp này, chiếm tỷ lệ 69,75%.

Vì những lý do đó, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn giải pháp, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu như hiện nay.

Bởi vì, nó phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội. Để không làm ảnh hưởng đến phong trào hiến máu tự nguyện hiện nay, trong Dự thảo, Bộ Y tế cấm các hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu.

Thông tư Số: 26/2013/TT-BYT hướng dẫn hoạt động truyền máu

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện hoạt động truyền máu

1. Vì mục đích nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.

2. Bảo đảm tự nguyện đối với người hiến máu; không ép buộc người khác hiến máu, thành phần máu.

3. Chỉ sử dụng máu và các chế phẩm máu phục vụ chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

4. Giữ bí mật các thông tin có liên quan đến người hiến máu, người nhận máu và chế phẩm máu.

5. Bảo đảm an toàn cho người hiến máu, người bệnh được truyền máu, chế phẩm máu và nhân viên y tế có liên quan.

6. Thực hiện truyền máu hợp lý đối với người bệnh.

Tiến Phòng
Bình luận
vtcnews.vn