• Zalo

Khánh thành 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, bước tiến lớn của ngành y tế

Tin tứcThứ Bảy, 26/09/2020 07:46:52 +07:00Google News
(VTC News) -

Mạng lưới 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa mở ra cơ hội cho các bệnh nhân khắp nơi được chữa bệnh bởi bác sĩ tuyến Trung ương, tuyến trên.

Chiều 25/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi lễ đánh dấu mốc kết nối mạng lưới 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa.

Việc kết nối 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh của gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP.HCM là kết quả của gần 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth).

Qua hình thức này, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sỹ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu ở vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, một buổi hội chẩn trực tuyến có thể cho phép nhiều bệnh viện tuyến dưới cùng tham gia, chia sẻ và học hỏi về chuyên môn y khoa. Thậm chí, người dân ở nhà cũng có thể được bác sỹ tuyến trên khám hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện từ thông minh.

Khánh thành 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, bước tiến lớn của ngành y tế  - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi lễ đánh dấu mốc kết nối mạng lưới 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa. (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước có nền y học tiên tiến để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sỹ có trình độ cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả này cũng thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn trong phòng chống đại dịch COVID-19 khi 24 ngày qua, chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Việt Nam tự hào là quốc gia lần thứ 2 khống chế thành công dịch bệnh.

Thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh từ xa trong thời gian dịch bệnh bùng phát cho thấy nhiều lợi ích như giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện và tập trung đông bệnh nhân, dễ lây nhiễm tại các tuyến.

Với hơn 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, không những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo được đội ngũ y bác sỹ hàng đầu hội chẩn, chữa bệnh mà các bệnh viện tuyến dưới cũng sẽ được trao đổi và hướng dẫn chuyên môn hằng ngày.

Phát biểu tại buổi lễ, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên.

Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.

“Nhân dịp này, tôi cũng yêu cầu các cơ sở y tế, các thầy thuốc, các y bác sỹ, các cán bộ y tế trên toàn tuyến sẽ thực hiện và lan tỏa thông điệp “vươn cao, vươn xa”, phát huy trí tuệ, tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn để triển khai hiệu quả chương trình khám chữa bệnh từ xa để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở phục vụ người dân ngày một tốt hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Long nói.

Khánh thành 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, bước tiến lớn của ngành y tế  - 2

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: VGP)

Trong buổi họp báo về sự kiện kết nối 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa tổ chức ngày 24/9, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có 26 bệnh viện tuyến trên đăng ký tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa.

Theo đó, những bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực sẽ được nhận sự hỗ trợ trực tiếp, đồng thời của bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh. Việc này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đơn vị được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, cho biết: Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn. Mặc dù không thể thay thế tuyệt đối phương pháp khám chữa bệnh truyền thống như hiện nay, nhưng Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu và thiết thực cho hệ thống y tế.

Bệnh viện Bạch Mai sau 1 tháng triển khai đã tổ chức 9 buổi khám chữa bệnh từ xa; 4 buổi tư vấn phòng chống bệnh cho cộng đồng; 343 bệnh viện kết nối; 34 ca bệnh được hội chẩn; 10 khóa đào tạo các chuyên đề phòng chống dịch, hồi sức cấp cứ và nội khoa; Trong đó, ngày 11/9/2020, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút nhờ khám chữa bệnh từ xa….

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Trần Minh Điển cũng cho biết, bệnh viện đã thực hiện 3 ca hội chẩn với Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn