"Hawker center" (tạm dịch "khu bán hàng rong") là tên gọi những khu tổ hợp ngoài trời cực kỳ phổ biến tại Hong Kong, Malaysia, Singapore.
Tại đây, có rất nhiều gian hàng chuyên phục vụ đồ ăn, đồ uống với giá cả bình dân. Các khu ẩm thực đường phố này thường tọa lạc gần các khu chung cư hay điểm giao thông công cộng - nơi có nhiều người qua lại.
Trên các trang chia sẻ kinh nghiệm du lịch, các trung tâm bán hàng rong được xem là lựa chọn lý tưởng cho những du khách muốn thưởng thức ẩm thực địa phương theo đúng tiêu chí ngon - bổ - rẻ.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của bà Lim - một nhân viên làm nghề lau dọn ở khu bán hàng rong phía đông Singapore - điều kiện vệ sinh ở nơi đây rất đáng lo ngại. Nếu có một điều quan trọng mà bà học được từ công việc của mình thì đó chính là tránh xa thức ăn phục vụ tại các khu ẩm thực đường phố.
"Tôi đã làm nhân viên lau dọn lâu rồi và tôi không dám ăn thực phẩm tại khu bán hàng rong nữa", người phụ nữ 65 tuổi chia sẻ. Thay vào đó, bà chuẩn bị sẵn đồ ăn từ nhà.
(Ảnh minh họa) |
Không có thời gian để thường xuyên giặt và thay khăn lau, và đó là lý do, cùng một chiếc khăn để lau bát đũa có thể được dùng để phủi vụn đồ ăn trên khay đựng, thậm chí lau phân chim rớt xuống bàn.
Công bằng mà nói, các nhân viên lau chùi luôn cố gắng ở mức tối đa có thể để giặt và thay khăn nhưng vào giờ cao điểm, họ thà dùng khăn bẩn còn hơn bị chủ la mắng vì phục vụ chậm trễ.
Bà Lim bắt đầu làm nghề lau dọn 4 năm trước và nhận việc tại khu bán hàng rong phía đông Singapore cách đây 2 năm. Với thu nhập 800 SGD/tháng (hơn 13,6 triệu đồng), bà Lim phải dành 8 tiếng mỗi ngày dọn bàn, lau chùi bát đĩa mỗi khi khách dùng xong bữa.
Công việc này, theo bà, là một cực hình đối với tấm lưng già nua. Nhưng khó chịu nhất nếu gặp phải những vị khách ăn xong mà để lại trên bàn một mớ hỗn độn với đủ loại giấy ăn, vỏ tôm, xương heo..., chưa kể những vệt súp đổ lại trên bàn cũng khiến công việc của bà Lim thêm vất vả.
Huyền Trang (theo The New Paper)
Bình luận