Các đội bóng và chính Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không còn nhiều lựa chọn cầu thủ nhập tịch. Nếu tính các trường hợp đang thi đấu ở thời điểm hiện tại, chỉ duy nhất Trần Trung Hiếu (Geoffrey Kizito) còn ở độ tuổi có thể cống hiến.
Ít cầu thủ đủ điều kiện
Lâu nay, VFF đã không ít lần bày tỏ về câu chuyện nhập tịch và sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển. Đơn vị này bày tỏ rằng mọi thứ đều phải “thượng tôn pháp luật”. Quan điểm này chính xác. Chiếu theo các quy định, có rất ít cầu thủ ngoại ở Việt Nam đủ điều kiện nhập tịch.
Một trong những điều kiện tiên quyết để ngoại binh xin được quốc tịch Việt Nam là sinh sống và làm việc trong thời gian 5 năm liên tiếp. Số người đáp ứng được yêu cầu này ngày càng giảm sút vì nhiều lý do khác nhau.
Để đi tìm lời giải thích chính xác cho luận điểm nói trên, cần nhìn nhận vào cả quá trình vận hành gần đây của bóng đá Việt Nam. Trong những năm qua, nền tảng tài chính của nhiều đội bóng bị ảnh nặng bởi dịch COVID-19 và phần nào là suy thoái kinh tế toàn cầu. Hầu bao không mấy rủng rỉnh khiến nhiều câu lạc bộ phải xoay sở để chọn “lính đánh thuê” vừa túi tiền. Đôi khi, chất lượng cầu thủ không đảm bảo khiến đội bóng bị ảnh hưởng còn chính họ cũng không trụ lại được Việt Nam.
Ngoài ra, thay đổi khách quan về lịch thi đấu của V.League mang đến tác động 2 chiều. Khi thời gian chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam trùng với nhiều giải đấu trên thế giới, nguồn ngoại binh đa dạng hơn nên đội bóng sẵn sàng “đổi người” nếu cảm thấy phù hợp. Thậm chí, việc thay đổi ngoại binh liên tục mang đến ích lợi tài chính cho người đại diện cùng các bên liên quan.
Nói về tính cạnh tranh thu nhập, mức lương của các đội bóng V.League chi trả không hề hấp dẫn hơn so với các giải đấu trong khu vực. Gần đây, Quảng Nam bất lực trong việc giữ chân Paulo Conrado. Tiền đạo người Brazil trải qua 2 mùa giải thành công ở Việt Nam nhưng trở lại Thái Lan vì những gì anh nhận được quá hấp dẫn. Conrado chỉ là 1 ví dụ để chứng minh rằng giữ chân cầu thủ lâu dài không dễ.
Ngoại binh nào có thể nhập tịch?
Cũng bởi vấn đề đã nói ở trên, Rafaelson lại trở thành của hiếm bởi anh sang Việt Nam thi đấu khi còn trẻ, đã ở dải đất hình chữ S đủ thời gian. Quan trọng nhất, tiền đạo sinh năm 1997 vẫn còn trẻ, ở độ tuổi sung mãn nhất của sự nghiệp và có thể cống hiến lâu dài cho đội tuyển quốc gia.
Ở V.League, vẫn còn một vài cầu thủ có thể trở thành phương án nhập tịch mới nếu đội bóng chủ quản thật sự quan tâm hoặc VFF có động thái thúc đẩy. Thanh Hóa có 2 cái tên Gustavo Santos và Gordon Rimario liên tục chơi bóng tại Việt Nam. Họ hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành công dân Việt Nam.
Câu lạc bộ Nam Định có thể đóng góp thêm một cái tên khác là Joseph Mpande. Tân binh sinh năm 1993 có thể nhập tịch nhưng hiện tại anh khó có thể toại nguyện. Mỗi đội bóng chỉ được sử dụng một cầu thủ nhập tịch và suất đó được ưu tiên cho Rafaelson.
Ngoài ra, Jose Pinto và Bruno Cunha cũng có thể sở hữu tấm hộ chiếu Việt Nam. Ai chịu bỏ công sức nhập tịch cho nhóm cầu thủ này mới là vấn đề. Hầu hết trong số họ đã lớn tuổi và có nhiều vấn đề riêng trong sinh hoạt, ứng xử cũng như sự nghiệp đã sa sút.
Như đã nhắc đến, VFF và ông Kim Sang-sik dù rất muốn tìm nguồn lực mới cho đội tuyển Việt Nam nhưng không thể sử dụng bừa bãi hoặc nhập tịch tràn lan các cầu thủ ngoại.
Ngoại binh nhập tịch Việt Nam phần đông để duy trì sự nghiệp dài hơn tại V.League và có thể kiếm được mức thu nhập tốt. Các cầu thủ vẫn sẽ cống hiến nếu có cơ hội ở đội tuyển quốc gia mới. Tuy nhiên, thực tế cần nhìn nhận rằng nhiều người còn rất ít khả năng để đóng góp và việc nhập tịch không đúng sẽ tiếp tục tạo ra tiền lệ xấu trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Bình luận