Tối 4/2 (30 Tết), Táo quân 2019 chính thức lên sóng sau một thời gian để khán giả chờ đợi. Tuy nhiên, khác với sự háo hức ban đầu vì cho rằng sẽ được xem một chương trình quen thuộc cuối năm với nhiều điều thú vị, khán giả lại ngao ngán khi Táo quân 2019 tràn ngập quảng cáo đến từ các thương hiệu, thậm chí quảng cáo khá lộ liễu.
Chỉ trong 30 phút đầu tiên sau khi lên sóng, nhiều khán giả cho biết mình đã phải chuyển kênh vì các nhãn hàng xuất hiện liên tục, từ hãng máy bay, xe hơi, ứng dụng mua sắm... cho đến quần áo. Một điều đáng nói, những quảng cáo này được lồng ghép vào lời thoại trong kịch bản chứ không phải là quảng cáo trong giờ giải lao.
Tên thương hiệu và những câu slogan được các Táo tích cực nhắc đến khiến chương trình năm nay mất điểm trầm trọng. Trên mạng xã hội, khán giả phản ứng gay gắt và cho rằng, họ đang trở thành công cụ kiếm tiền từ nhà đài bởi hầu hết đều biết, giá quảng cáo trong Táo quân cực kì cao.
Khán giả M.Meo buồn bã: "Fan Táo quân vậy mà ấn tượng nhất của mình năm nay là quảng cáo quá lố. Nội dung không sâu hoặc đã bị kiểm duyệt quá nhiều".
Một khán giả khác nhận xét: "Ấn tượng nhất là chương trình với mục tiêu rõ ràng là đả kích, châm biếm những mặt trái của xã hội nhưng cũng vì lợi nhuận của nhà đài đã để các nhà tài trợ quảng cáo quá nhiều, vô tình làm bớt đi ý nghĩa của chương trình".
"Càng ngày Táo quân càng nhạt nhẽo, xen lẫn quảng cáo quá nhiều"; "Táo quân năm nay bị cắt xén nhiều quá, lại nhồi toàn quảng cáo"; "nhạt nhẽo và quảng cáo quá nhiều"; "công nhận năm nay nhạt thếch, có lẽ là năm tệ nhất trong 16 năm"... là những bình luận từ cư dân mạng.
Trải qua 15 năm lên sóng đều đặn mỗi đêm giao thừa, Táo quân luôn là chương trình được khán giả chờ đợi. Tuy nhiên, chương trình càng cố gắng đổi mới lại càng gây tranh cãi trái chiều, bằng chứng là năm ngoái, Táo quân cũng nhận không ít bình luận tiêu cực từ khán giả vì bôi nhọ cộng đồng LGBT.
Bình luận