• Zalo

Khám vượt tuyến không được bảo hiểm trả: Bệnh nhân ngơ ngác

Sức khỏeThứ Ba, 06/01/2015 02:00:00 +07:00Google News

Theo quy định mới, từ 1/1/2015, bệnh nhân khám vượt tuyến sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán, nhưng nhiều người chưa biết quy định này.

(VTC News) – Theo quy định mới, từ 1/1/2015, bệnh nhân khám vượt tuyến sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán, nhưng nhiều người chưa biết quy định này.


Nhiều lợi ích cho người dân

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân sẽ được mở rộng.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.

 
Cụ thể, trong danh mục 74 thuốc thuốc điều trị ung thư hiện nay thì đã có đến 59 loại được Bảo hiểm y tế chi trả 100%, bảo đảm đáp ứng nhu cầu điều trị ung thư.

11 thuốc ngoài danh mục hiện được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 50% được bổ sung đưa vào danh mục để kiểm soát, quản lý và giữ nguyên tỷ lệ thanh toán 50% như trước đây; chỉ có 4 thuốc giảm tỷ lệ thanh toán từ 100% xuống còn 50%.

Hơn nữa, để bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế, đặc biệt là bệnh nhân ung thư trong giai đoạn chuyển tiếp, Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể việc thanh toán thuốc đối với bệnh nhân bị ung thư đang sử dụng 4 thuốc (doxorubicin, erlotinib, gefitinib, sorafenib) tại bênh viện trước thời điểm danh mục trên có hiệu lực thì tiếp tục được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí cho đến hết liệu trình điều trị.

Theo các chính sách về BHYT hiện hành, Nhà nước đã bảo đảm ngân sách để mua thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Từ ngày 1/1/2015, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo cũng được Nhà nước mua thẻ BHYT. Chính phủ đã hỗ trợ tối thiểu 70% mệnh giá thẻ BHYT đối với người cận nghèo, khuyến khích các địa phương sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo tham gia BHYT.

Từ 1/1-2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được Quỹ BHYT thanh toán 100%, thay vì phải đồng chi trả 5% như trước đây.

Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2015, một số đối tượng như: Lực lượng quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội... khi đi khám, chữa bệnh sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT tới thời điểm đi khám, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 7 triệu đồng) - trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến - cũng sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100%.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người thuộc hộ cận nghèo sẽ được Quỹ BHYT chi trả 95%.

Theo Luật mới này, các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán.

Luật cũng định tham gia bảo hiểm y tế là bắt buộc. Khi mua theo hộ gia đình, người dân sẽ được giảm trừ mức đóng. Người thứ nhất đóng mức 4,5% lương cơ sở - khoảng 600.000 đồng một năm; người thứ hai, ba, tư lần lượt sẽ bằng 70, 60, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Một trong những điểm mới mà người bệnh cần lưu ý là khi đi khám bệnh vượt tuyến ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương người bệnh sẽ phải tự chi trả.

Tại sao không được thanh toán?

Trước đó khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí tương đương với bệnh hạng bệnh viện.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2015, khi vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% khi nằm viện điều trị nội trú. Người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán.

Tương tự khi vượt tuyến tỉnh, mức hưởng sẽ là 60% chi phí, chỉ áp dụng với điều trị nội trú. Với tuyến huyện, mức hưởng trong năm 2015 sẽ là 70% chi phí khám, chữa bệnh. Từ 1/1/2016 thì sẽ là 100% chi phí trong cùng địa bàn tỉnh.

Khi luât này có hiệu lực, nhiều người dân không rõ nên khá bất ngờ.

Bà Phạm Thị Biết (65 tuổi, ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) tỏ ra ngạc nhiên khi nhân viên hành chính của BV Bạch Mai không nhận thẻ BHYT của bà.

Sau khi được giải thích về quy định mới, bà Biết đành ngậm ngùi chấp nhận. Mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường gần 4 năm nay, bà Biết vượt tuyến đến thẳng BV Bạch Mai khám.

“Nơi khám chữa bệnh ban đầu của tôi cũng tại một BV ở Hà Nội nhưng sau một thời gian điều trị, bệnh tình không đỡ, dùng thuốc bị phù nề rất mệt nên tôi đành vượt tuyến. Trước đây, mỗi lần khám và mua thuốc, tôi được giảm 100.000-200.000 đồng. Không biết nếu tôi về tuyến dưới để xin chuyển tuyến thì có được hay không?” - bà Biết băn khoăn.

Trong khi đó, bệnh nhân Phạm Thị Lan (52 tuổi, ở Hải Dương) tỏ ra bức xúc: “Người ta không cho quyền lợi gì, cắt hết rồi. Mọi khi đi khám viêm gan hết 1 triệu đồng/lần, tôi được thanh toán 300.000-500.000 đồng, giờ không còn gì cả”.

Xem Clip Món nướng ghê rợn nhất hành tinh

Nguồn: Youtube

Nhiều bệnh nhân cũng lo lắng khi có 4 loại thuốc điều trị ung thư (Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib) bị giảm mức thanh toán từ 100% xuống 50%.

Đưa cha làm thủ tục nhập viện điều trị ung thư phổi tại BV K (Hà Nội), chị Vũ Thanh Trà (quê Nam Định) bày tỏ: “Tôi nghe nói các thuốc bị cắt giảm đều là loại tốt, rất đắt tiền. Nếu trong liệu trình điều trị của cha tôi phải chi trả tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng loại thuốc Gefitinib trị ung thư phổi thì gia đình thuộc hộ nghèo như chúng tôi biết lo liệu thế nào?”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, dù Luật BHYT chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1 nhưng do rơi vào kỳ nghỉ lễ nên đến sáng 5-1, những quy định mới mới được triển khai. Thông thường, số bệnh nhân khám vượt tuyến có thẻ BHYT chiếm khoảng 30%-40% tổng số người đến khám tại BV.

Ông Hiền cho rằng dù bãi bỏ quy định chi trả 30%-50% đối với bệnh nhân khám vượt tuyến tỉnh và trung ương nhưng người bệnh điều trị nội trú sẽ được thanh toán ở mức 40% chi phí (tuyến trung ương) và 60% (tuyến tỉnh).

Đây là những đối tượng thực sự cần sự hỗ trợ của Quỹ BHYT bởi có những loại bệnh chi phí điều trị nội trú rất lớn. Tại BV Bạch Mai, số người có thẻ BHYT vượt tuyến điều trị nội trú thường chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân.

» Giảm chi bảo hiểm thuốc chữa ung thư, bệnh nhân 'ngồi trên đống lửa'
» Thủ phạm không ngờ làm bạn đau bụng, ung thư ruột
» Có dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư, bạn cần đi khám ngay
» 10 thực phẩm hàng đầu đẩy lùi ung thư

Tổng hợp theo NLĐ, VNE

Bình luận
vtcnews.vn