Thông tin từ bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Bệnh nhi T.G.B (3 tuổi, trú tại Đắk Lắk) được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk xuống Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng viêm phổi ngày càng tăng.
Theo chia sẻ từ người nhà bệnh nhi, trước đó, bé bị viêm phổi nhiều lần, đã điều trị tại nhiều phòng khám tư nhân nhưng không khỏi. Khi vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, bé được chẩn đoán viêm phổi, có dị vật đường thở.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau gần 3 giờ can thiệp, các bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng đã gắp thành công dị vật là đầu đạn bi súng hơi ra khỏi thực quản của bệnh nhi. Lúc này, người nhà bệnh nhi mới cho biết, khoảng một tháng trước, bé hay chơi đạn bi súng hơi và có thể bị sặc.
BS.CKI Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1 của bệnh viện khuyến cáo: tất cả những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng thì đều có nguy cơ trở thành dị vật.
Không chỉ riêng những loại trái cây mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật như cúc quần áo, trang sức của trẻ em. Khi bị hóc dị vật trẻ sẽ có biểu hiện tức thì. Lúc đó, trẻ vào bệnh viện với biểu hiện như ngạt, tử vong.
Bên cạnh đó, có những loại dị vật trở thành dị vật bỏ quên. Trẻ sẽ chỉ đơn thuần đến bệnh viện vì những bệnh cảnh như khò khè, viêm phổi nhiều lần. Tình huống này cũng gây khó khăn trong việc chẩn đoán.
Thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Chính vì thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ ngắn nên người lớn cần biết cấp cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà.
Video: Nổ hầm cầu ở Bình Dương - nạn nhân bỏng nặng nhất qua đời
Bình luận