Theo thông tin từ Phòng Văn hóa – Thông tin TP Hạ Long (Quảng Ninh), động Tiên Ông nằm ở trung tâm hòn Cái Tai (giống hình cái Tai), thuộc khu vực đảo Hang Trai, cách cảng tàu du lịch Tuần Châu khoảng 18km về phía Đông Nam.
Phía trong động có 3 măng đá giống hình ảnh của 3 ông Tiên với khuôn mặt phúc hậu, râu tóc dài nên người dân quanh vùng gọi tên động là Tiên Ông.
Động Tiên Ông còn có tên gọi khác là hang Rền (theo dân gian), hang Đục (qua nghiên cứu, đối chiếu theo miêu tả, bản vẽ của nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển J.G. Andresson và đợt khảo sát, nghiên cứu của Tiến sĩ khảo cổ học Hà Hữu Nga năm 1997).
Theo kết quả đợt khai quật của Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia năm 2007, hang Tiên Ông chính là hang Đục đã được nhà khảo cổ học Andersson phát hiện vào năm 1937-1938. Tên Hang Đục do Andersson đặt vì lần đầu tới hang ông phát hiện được một chiếc đục đá đẹp.
Động Tiên Ông được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, sàn trưng bày khảo cổ, đầu tư nâng cấp bến cập tàu, đường đi trong và ngoài động đảm bảo an toàn, thuận tiện cho du khách tham quan.
Động có tổng chiều dài khoảng 156m, được chia làm 2 phần và ngăn cách bởi khối thạch nhũ lớn giữa động, nửa phía ngoài là khu vực được chiếu sáng phủ đầy trầm tích nhuyễn thể chưa gắn kết, nửa phía trong từ phần cột nhũ hắt vào khá bằng phẳng.
Động nằm ở độ cao 5m so với mực nước biển, có một cửa, dạng vòm, rộng 50m, cao 13m, quay về hướng Tây Bắc. Dựa trên cấu trúc đá gốc, có thể chia động thành 6 ngăn chính.
Để tìm hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử văn hóa của động, tháng 11/2007, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với cơ quan chức năng khai quật di chỉ khảo cổ động Tiên Ông. Đoàn đã mở 4 hố khai quật và 1 hố thám sát với tổng diện tích 42m2 .
Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học thì động Tiên Ông chính là một trong những điểm cư trú, sinh sống của người Việt cổ thuộc nền văn hoá Soi Nhụ trên Vịnh Hạ Long.
Di tích có niên đại cách ngày nay khoảng 8.000 - 10.000 năm, thuộc giai đoạn sơ kỳ Đá mới. Di vật thu được qua đợt khai quật gồm đồ đá, đồ xương và đồ gốm.
Đồ đá chủ yếu là đá vôi với những chiếc rìu, bôn, mũi nhọn và qua nghiên cứu cho thấy, cư dân nguyên thủy đã sử dụng các kỹ thuật như ghè một mặt và hai mặt, kết hợp với kỹ thuật chặt bẻ, có dấu vết của kỹ thuật mài.
Bên cạnh đó, cư dân ở đây còn sử dụng cả cuội, thạch nhũ, vỏ nhuyễn thể để chế tác công cụ, dù không nhiều nhưng đã cho thấy tính năng động trong ứng xử với thiên nhiên để thích nghi với môi trường sống của cư dân động Tiên Ông thời tiền sử.
Phía dưới chân cột đá lớn là một lượng lớn vỏ nhuyễn thể nước ngọt bị chặt đuôi còn sót lại giống với cồn ốc chạy dọc theo vách hang phía ngoài.
Các vỏ ốc nước ngọt ở đây to hơn so với các động Mê Cung và hang Trống, chứng tỏ thời kỳ cư dân tiền sử nơi đây sinh sống có khí hậu mát mẻ và mưa nhiều, khiến nguồn thức ăn phong phú hơn.
Bên cạnh việc khai thác nguồn thức ăn từ các con sông, suối, cư dân tiền sử nơi đây đã làm quen và khai thác các sản vật từ biển.
Đây chính là một trong những tiền đề quan trọng cho các nền văn hóa biển nối tiếp ở giai đoạn sau phát triển như Văn hoá Cái Bèo và Văn hoá Hạ Long.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần giảm tải khách du lịch tại một số điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long, từ tháng 8/2017, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Quảng Ninh xây dựng mô hình trưng bày khảo cổ tại động Tiên Ông.
Đây được xem là bảo tàng tại chỗ, giúp du khách không chỉ hiểu về giá trị khảo cổ của động Tiên Ông mà còn biết đến một nền văn hóa đã từng tồn tại ở khu vực Vịnh Hạ Long, đó chính là Văn hóa Soi Nhụ.
Bình luận