Kinh thành Huế là di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Di tích này được khởi công xây dựng từ nằm 1805 dưới thời vua Gia Long nhà Nguyễn và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Theo thống kê có 13 cổng ra vào Kinh thành Huế trong đó có 10 cổng đường bộ, 2 đường thuỷ và 1 cổng phụ. (Ảnh: NL)
Cổng phụ trong 13 cổng thành ra vào Kinh thành Huế có tên là Trấn Bính Môn. Trấn Bình Môn nằm ngay sau lưng Bệnh viện Quân y 268 Huế. Vị trí nằm ở khu vực khá hoang vắng gần đường Mang Cá Nhỏ (phường Phú Bình, TP Huế). Chính vì là cổng phụ nên một thời gian dài di tích này bị lãng quên, xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: NL)
Theo tìm hiểu của PV VTC News, Trấn Bình Môn thuộc hệ thống Trấn Bình Đài.
Theo một số tư liệu thì Trấn Bình Môn được xây dựng vào năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng. Cổng thành thuộc vòng tường thành của Kinh thành không phải cửa thông ra ngoài thành mà là thông đến Trấn Bình Đài (pháo đài phòng thủ của Kinh thành huế). (Ảnh: NL)
Trấn Bình Môn được mở ra ở giữa đoạn thành nối hai pháo đài Bắc Định và Đông Bình (của Kinh thành) lại với nhau. Năm 1885, quan đại thần Tôn Thất Thuyết chỉ huy 20.000 quân tập kích vào đồn Mang Cá, tấn công 1.400 quân Pháp. Cuộc tấn công thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rút về thành Tân Sở (Quảng Trị) và ban chiếu Cần Vương. Một năm sau, Toàn quyền Pháp ép nhà Nguyễn nhường thêm một khu đất tiếp giáp ở trong Kinh thành để quân đội Pháp xây dựng doanh trại, đồn bốt. Người Huế gọi khu mở rộng này là Mang Cá Lớn và Trấn Bình đài cũ là Mang Cá Nhỏ. (Ảnh: N.L)
Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đồn Mang Cá cũng là một trong những điểm giao tranh ác liệt. Sau năm 1975, khu vực đồn Mang Cá Lớn trở thành doanh trại Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, trong khi một phần Mang Cá Nhỏ trở thành khu dân cư, phần còn lại bị bỏ hoang. (Ảnh: NL)
Có thể nói Trấn Bình Môn là di tích gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay cổng thành này gần như bị lãng quên và không được nhắc đến nhiều. Ghi nhận của PV VTC News, hiện nay khu vực Trấn Bình Môn xuống cấp nghiêm trọng, cửa gỗ hư hỏng, mục nát, cây dại mọc kín. (Ảnh: NL)
Phía trên Trấn Bình Môn là một toà nhà cũ được lợp ngói bờ rô xi măng nhưng hiện cũng bị bỏ hoang. (Ảnh: NL)
Đoạn tường thành cạnh Trấn Bình Môn hư hỏng theo thời gian và sự tàn phá của chiến tranh. (Ảnh: N.L)
Lối vào Trấn Bình Môn là đường đất, cỏ dại mọc um tùm và có lẽ rất lâu không có dấu chân người. (Ảnh: N.L)
Bên trong Trấn Bình Môn ngổn ngang chai lọ, vỏ bao thuốc...mà những con nghiện ma tuý bỏ lại. (Ảnh: NL)
Ngoài ra, trong hệ thống Kinh thành Huế còn có 2 cửa ra vào đường thuỷ có tên là Tây Thành Thuỷ Quan và Đông Thành Thuỷ Quan.
Hiện nay 2 cổng đường thuỷ này cũng ít người chú ý. Người qua lại chủ yếu là những người dân đánh bắt cá. (Ảnh: N.L)
Dự chi hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện di dân Kinh thành Huế giai đoạn 2
Cụ thể, hơn 1.700 hộ dân ở hộ thành hào và tuyến phòng lộ sẽ được di dời với tổng kinh phí 455 tỷ đồng. 210 hộ ở hồ Tịnh Tâm cũng di dời với tổng kinh phí dự kiến 80 tỷ đồng. Trấn Bình Đài có 165 hộ phải trả lại mặt bằng với kinh phí khoảng 52 tỷ đồng.
Khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với 198 hộ dân di dời, kinh phí 139 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 1.000 hộ dân sống ở khu vực đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP Huế) cũng được kiểm kê để di dời và thu hồi đất với kinh phí 213 tỷ đồng.
Đối với khu vực hồ Học Hải và di tích Khâm Thiên Giám, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cũng kiểm kê, kê khai nguồn đất sử dụng để lên kế hoạch di dời. Dự kiến, các hộ dân sống trong những khu vực này sẽ được bố trí đất định cư tại khu quy hoạch Hương Sơ. Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư này đang được triển khai.
Sau khi thực hiện di dân giai đoạn 2 hoàn tất, người dân kỳ vọng những di tích trong hệ thống Kinh thành Huế trong đó có Trấn Bình Môn sẽ được trả lại đúng hiện trạng và được trùng tu, bảo vệ đúng với giá trị văn hoá, lịch sử của di tích.
Bình luận