Đời sống

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử

Thứ Tư, 10/01/2024 06:49:00 +07:00

(VTC News) - Sau cuộc di dân lịch sử hàng nghìn hộ dân được tái định cư để trả lại hiện trạng vốn có cho Kinh thành Huế.

Video: Diện mạo Kinh thành Huế ra sao sau cuộc di dân lịch sử?

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 1

Ngày 10/12/2018, Thủ tướng phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích cố đô Huế. Ngày 13/2/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 2

Đây được đánh giá là cuộc di dân lịch sử ở Thừa Thiên - Huế được chia làm hai giai đoạn (giai đoạn 1 từ năm 2019-2022 và giai đoạn 2 từ năm 2023-2025). Tại giai đoạn 1, thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại 11 khu vực gồm Thượng Thành, các Eo Bầu… với khoảng 5.000 hộ dân.

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 3

Ghi nhận của PV VTC News, sau hơn 3 năm thực hiện đề án thì đến nay cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Nhiều khu vực tường thành, di tích vốn có của Kinh thành Huế được phát lộ sau di dân. 

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 4

Hàng nghìn hộ dân vốn "sống treo" trên Kinh thành Huế cũng được bố trí đất, xây dựng nhà ở tại khu tái định cư Hương Sơ nay cũng bắt đầu ổn định cuộc sống. (Ảnh: Tám Bảy).

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 5

Mặc dù vậy ghi nhận tại Kinh thành Huế đoạn qua đường Tôn Thất Thiệp và Xuân 68 (TP Huế) thì vẫn còn một số hộ dân chưa chịu di dời.

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 6

Len lỏi bên trong những ngôi nhà đổ nát ở đường Xuân 68 chuẩn bị được san ủi trả lại mặt bằng cho di tích thì vẫn còn những ngôi nhà có người dân sinh sống và họ còn cẩn thận đề chữ thông báo: "Còn nhà ở sau không đổ rác và đất đá, phóng uế bừa bãi".

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 7

Trong khi hầu hết các hộ dân thuộc diện di dời đều hoàn trả mặt bằng cho di tích thì vẫn còn một ngôi nhà nằm trơ trọi và còn người sinh sống trên Kinh thành Huế đoạn qua đường Xuân 68 (TP Huế).

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 8

Xét về tổng thể thì Kinh thành Huế trở nên thông thoáng hơn nhiều sau hơn 3 năm thực hiện cuộc di dân lịch sử. 

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 9

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế, khó khăn lớn nhất là các hộ gia đình có nhiều lý do khác nhau liên quan đến các điều kiện bố trí tái định cư. Trong đó chủ yếu là không sinh sống tại thửa đất thu hồi nên không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Lãnh đạo đơn vị này mong muốn người dân khu vực dự án cùng chia sẻ những khó khăn, sớm bàn giao mặt bằng di dời đến nơi ở mới ổn định cuộc sống.

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 10

Được biết, song song với việc di dân thì UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng phê duyệt và triển khai hạng mục dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế với kinh phí 54 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. 

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 11

Theo ghi nhận, hiện nay chính quyền và các đơn vị ở TP Huế đang thực hiện hạ giải, dọn dẹp mặt bằng đối với từng hộ sau khi bàn giao mặt bằng, triển khai công tác san gạt trả lại cao độ phù hợp theo hình thức cuốn chiếu.

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 12

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế thì khi hoàn thành công việc hạ giải và dọn dẹp thì sẽ bàn giao lại mặt bằng sạch cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý, thực hiện phát huy giá trị di tích Kinh thành Huế.

Cận cảnh diện mạo Kinh thành Huế sau cuộc di dân lịch sử  - 13

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế, hiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn tập trung triển khai các thủ tục để phê duyệt giai đoạn 2 dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế. Sở TN&MT cũng có báo cáo để UBND tỉnh xem xét có văn bản báo cáo để Bộ TN&MT cho ý kiến hướng dẫn triển khai thực hiện nhằm xin cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng thuộc dự án (giai đoạn 2).

Dự chi hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện di dân giai đoạn 2

Cụ thể, hơn 1.700 hộ dân ở hộ thành hào và tuyến phòng lộ sẽ được di dời với tổng kinh phí 455 tỷ đồng. 210 hộ ở hồ Tịnh Tâm cũng di dời với tổng kinh phí dự kiến 80 tỷ đồng. Trấn Bình Đài có 165 hộ phải trả lại mặt bằng với kinh phí khoảng 52 tỷ đồng.

Khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với 198 hộ dân di dời, kinh phí 139 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 1.000 hộ dân sống ở khu vực đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP Huế) cũng được kiểm kê để di dời và thu hồi đất với kinh phí 213 tỷ đồng.

Đối với khu vực hồ Học Hải và di tích Khâm Thiên Giám, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cũng kiểm kê, kê khai nguồn đất sử dụng để lên kế hoạch di dời. Dự kiến, các hộ dân sống trong những khu vực này sẽ được bố trí đất định cư tại khu quy hoạch Hương Sơ. Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư này đang được triển khai.

HOÀI CỔ
Bình luận
vtcnews.vn