• Zalo

Khám phá bí mật lớp học ôm

Giáo dụcThứ Ba, 20/08/2013 07:38:00 +07:00 Google News

20 sinh viên, cả nam và nữ… được giảng viên trấn an, thả lỏng cơ thể, gạt bỏ mọi bối rối và dành cho nhau những cái ôm.

20 sinh viên, cả nam và nữ… được giảng viên trấn an, thả lỏng cơ thể, gạt bỏ mọi bối rối và dành cho nhau những cái ôm.

Lớp học nghệ thuật ứng dụng như vậy đã thu hút hàng trăm bạn trẻ muốn học cách kết nối xúc cảm để sống cân bằng.

Sáng ngày 12/8 trên nền nhạc du dương, các bạn sinh viên của Đại học FPT được giảng viên hướng dẫn tham gia một bài tập nhỏ: tĩnh  tâm, di chuyển vòng tròn, nhìn sâu vào mắt nhau để nắm bắt cảm xúc.

Qua vài phút tò mò ban đầu, các chàng trai, cô gái dường như bị cuốn vào một bầu không khí lạ, nơi mỗi ánh mắt, nụ cười đều không còn xa cách, ngượng ngùng mà tràn đầy sự cảm thông, chia sẻ, họ bắt đầu trao nhau những cái ôm siết chặt và ấm áp.

“Nối” – Lớp học khuyến khích học viên “ôm” để trải nghiệm cảm xúc của chính mình. 
Đó là những hình ảnh tại “Nối” - một lớp học đặc biệt giúp học viên khám phá bản thân, kết nối xúc cảm của chính mình với thế giới xung quanh, học cách chấp nhận cuộc sống một cách đơn giản như nó vốn có.

Không ồn ào bằng lời nói hay hành động, việc kết nối trong lớp học này chỉ thông qua ánh mắt, bàn tay, lắng nghe nhịp thở của người đối diện để hiểu xúc cảm. Chính điều đó đã làm sống dậy khả năng cảm nhận tinh tế đang “ngủ quên” trong cuộc sống vội vã của nhiều người trẻ.

“Dường như không cần lời nói em vẫn có thể cảm nhận được phần nào suy nghĩ và tình cảm của những người bạn mới. Có những bàn tay lạnh, có những bàn tay ấm nóng, có những ánh mắt chan chứa, có những ánh mắt dè dặt, có những nhịp đập kỳ lạ khi chúng em trao nhau vòng ôm, chúng em bỏ qua sự e dè và mở lòng mình hơn, dường như mỗi người đều có những điều cần chia sẻ, chỉ là đôi khi ta không để ý”, Lê Quang Dũng, sinh viên năm 2 chia sẻ.

Dùng nghệ thuật ứng dụng để giáo dục và phát triển cá nhân không phải là điều mới ở ngôi trường công nghệ này. Những lớp học lạ như “Nối”, “Nghịch”, “Buông” hay Kịch câm vẫn đang thu hút hàng trăm bạn trẻ muốn khám phá những nét sâu kín trong tâm hồn mình, cảm nhận rõ về cơ thể và cảm xúc để làm chủ nó, hoặc đơn giản học cách chấp nhận để cuộc sống cân bằng hơn.

Những lớp học này đã thu hút hơn 500 người tham gia, sinh viên không phải đóng lệ phí khi đến đây.
Khóa học giúp các bạn trẻ khám phá cảm xúc của chính mình, học cách bày tỏ và khẳng định cái tôi khác biệt và qua đó, học cách chấp nhận sự khác biệt của người xung quanh. 
Một trong những lớp nghệ thuật ứng dụng vào học đường đầu tiên tại Đại học FPT là Kịch câm. Đến nay, 6 khóa kịch câm đã được trường tổ chức đều đặn mỗi năm, với khoảng 200 sinh viên đã theo học (3 khóa cơ bản kèm theo 3 khóa nâng cao).

Tại những lớp học này, sinh viên hoàn toàn không dùng lời nói mà tập trung biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc qua những động tác hình thể đặc trưng của kịch câm cùng khuôn mặt biểu cảm.

 

Dường như không cần lời nói em vẫn có thể cảm nhận được phần nào suy nghĩ và tình cảm của những người bạn mới

Lê Quang Dũng, sinh viên năm 2 chia sẻ
 
Theo cô Nguyễn Hồng Nga, trưởng phòng Phát triển cá nhân PDP của Đại học FPT, những bài tập này đặc biệt hữu ích với việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình của sinh viên.


Bởi yêu cầu công việc hiện nay đòi hỏi các bạn trẻ có khả năng thuyết trình trước đám đông nhưng điều đó không chỉ cần thể hiện bằng ngôn từ. Sức hút xuất phát từ chính sự biểu cảm, từ gương mặt, cử chỉ bàn tay đến dáng đứng… của người nói.

“Chỉ khi hiểu rõ ngôn ngữ cơ thể, các bạn mới có thể tự tin, dùng hành động sao cho đúng để bài thuyết trình hiệu quả và hấp dẫn hơn”, cô nói.

Không chỉ giúp sinh viên khám phá bản thân và phát triển kỹ năng mềm, tại các lớp học của Chương trình Phát triển cá nhân PDP, các bạn trẻ còn được học cách cân bằng tâm hồn để sống vui vẻ, lạc quan hơn – điều rất quan trọng trong cuộc sống căng thẳng hiện nay.

Như trong một lớp học về nghệ thuật ứng dụng có tên “Buông”, sinh viên được hướng dẫn cách thả lỏng, thư giãn cơ thể, truyền đạt và cảm nhận suy nghĩ bằng chuyển động cơ thể.
Tại lớp học kịch câm, sinh viên hoàn toàn không dùng lời nói mà tập trung biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc qua những động tác hình thể đặc trưng của kịch câm cùng khuôn mặt biểu cảm. 
“Vứt bỏ những thứ buồn bã, nếu không thể vứt bỏ đi được, hãy tìm một điều gì đó vui vẻ để giúp mình quên đi nó, em đã nghĩ đó là những điều mình sẽ học được ở ‘Buông’. Nhưng không hẳn vậy, điều lớp học này dạy em không phải là gạt đi nỗi buồn trong cuộc sống mà là đối mặt với nỗi buồn và khó khăn bằng tâm thế điềm đạm, tĩnh lặng và lạc quan. Những điều đó, thầy không nói ra, tất cả được truyền tải bằng thông điệp qua những bài tập trên lớp. Nước mắt đã rơi, và chúng em ngẫm ra nhiều điều…”, Trịnh Quốc Thăng, sinh viên K8, nói.

Giảng viên của lớp học, thầy Hồ Ngọc Bảo Khiêm, chuyên gia Nghệ thuật ứng dụng và kịch ứng tác, phân tích các bạn trẻ hiện nay thường có nhu cầu được chia sẻ, được kết nối với nhau, cũng như có những khát khao, mơ ước rất mạnh mẽ được thể hiện bản thân.

Họ thích được ôm, được yêu, được quan tâm, được bày tỏ những cảm xúc, cá tính của họ. Nhưng ngoài đời thực, họ lại bị nhiều rào cản, định kiến ngăn lại. “Những bài học nghệ thuật này giúp các bạn trẻ tôn trọng bản thân, khám phá cảm xúc của chính mình, học cách bày tỏ và khẳng định cái tôi khác biệt và qua đó, học cách chấp nhận sự khác biệt của người xung quanh”, thầy nhấn mạnh.

Thừa nhận học những bộ môn này không đơn giản, nhất là khi sinh viên phải theo nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật như học cách im lặng, nhập tâm…, song thầy Bảo Khiêm cho rằng khi đã theo học, các bạn trẻ sẽ bị cuốn hút.

Bởi nó không chỉ mang đến sinh viên thêm kiến thức về nghệ thuật mà còn giúp giới trẻ tự tin trong giao tiếp, khám phá sâu con người mình và sáng tạo hơn. Đó cũng là mục tiêu quan trọng mà Chương trình phát triển cá nhân của ngôi trường này hướng đến.








Theo Xuân Ngọc/VNE
Bình luận
vtcnews.vn