• Zalo

Khai tử loạt gameshow: Càng sạch sóng truyền hình?

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 22/03/2015 06:32:00 +07:00Google News

ý kiến cho rằng sóng truyền hình sẽ sạch hơn khi một loạt gameshow bị Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh tay rà soát dừng cấp phép.

(VTC News) - Sóng truyền hình sẽ sạch hơn sau khi một loạt gameshow bị Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh tay dừng cấp phép.

Khai tử nhiều gameshow: Càng sạch sóng

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mạnh tay rà soát các chương trình truyền hình, trong đó sai phạm chủ yếu thuộc về các chương trình liên kết, tập trung vào lĩnh vực giải trí, gameshow phát sóng trên kênh VTV3.

Đáng chú ý, có nhiều chương trình do đối tác liên kết thực hiện để xảy ra sai phạm lặp đi lặp lại nhiều lần như: Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD); Công ty TNHH Quảng cáo, tư vấn và tổ chức biểu diễn Cát Tiên Sa.   

BHD và Cát Tiên Sa được coi là hai “ông lớn’ trong thị trường giải trí trên truyền hình. Hầu hết những chương trình “hot”, lượng người xem lớn chiếm sóng khung giờ vàng đều do hai đơn vị này sản xuất như: Vietnam's Got Talent, Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo,...

Không phải đợi đến khi Bộ Thông tin và truyền thông vào cuộc, mạnh tay sờ gáy các ông lớn trong lĩnh vực truyền thông là BHD và Cát Tiên Sa và quyết định khai tử nhiều gameshow dư luận mới dậy sóng bình luận về vấn đề này.

Thực tế, câu chuyện show giải trí nhảm nhí vô bố lấn át show nghệ thuật nghiêm túc từ lâu đã trở thành vấn nạn “biết rồi khổ lắm nói mãi”.


Khán giả kêu ca, các bậc làm cha làm mẹ càng kêu ca khi nhan nhản sóng giờ vàng là các chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền của nước ngoài.

Sao chép từ ý tưởng, kịch bản, cách thức thực hiện, thậm chí đến cả chiêu trò để kéo người xem ngồi lại trước màn hình tivi.


Clip: Thí sinh Vietnam's Got Talent uống nhầm axit:



Sự đổ bộ ồ ạt dẫn tới mất kiểm soát này khiến các chương trình truyền hình thực tế từ chỗ là món ăn tinh thần lạ miệng, hấp dẫn trở thành tội đồ khiến khán giả bội thực vì nhiều về số lượng, nhiều cả về sạn.

Nếu mấy năm trước các show truyền hình du nhập vào Việt Nam chỉ bị lên án bởi độ nhạt, độ nhảm nhí, vô bổ hay nơi quảng cáo trá hình, thì giờ đây nhiều chương trình thực sự trở thành công cụ kiếm tiền không hơn không kém, đánh mất giá trị truyền tải cho người xem, thay vào đó là sự phản văn hóa trầm trọng.

Đã có lúc tất cả các phương tiện truyền thông cùng lên tiếng, như một làn sóng dư luận cho rằng cần xem xét lại cách thức tổ chức các chương trình truyền hình thực tế.

Luôn là "sự cố đáng tiếc"

Đã có nhà sản xuất kêu ca rằng, tại sao bất cứ một scandal nào xảy ra trong các show truyền hình thực tế, câu hỏi đầu tiên đều nhằm vào những đơn vị này, đại ý rằng đây là dàn dựng hay chiêu trò?

Câu hỏi đó không phải tự nhiên được đặt ra, mà nó hợp lý vô cùng khi hầu hết các scandal ồn ào, những sự cố tưởng như vô tình câu kéo dư luận quan tâm đều có bàn tay phía sau sắp đặt hoàn hảo.

Giờ đây, hiếm có chương trình nào không dùng kịch bản “lộ kết quả đã được dàn xếp”, thí sinh có hoàn cảnh éo le, khác thường, thí sinh tự nhận mình chuyển giới, đồng tính…tham gia để thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận.

Cũng hiếm có chương trình nào không có sự cố đáng tiếc xảy ra khiến người xem đứng ngồi không yên, phải chờ đợi xem diễn biến như thế nào và cách xử lý khủng hoảng của đơn vị sản xuất ra sao.

Cách đây chưa lâu, X-Factor – Nhân tố bí ẩn - chương trình truyền hình thực tế kém sức hút ở mùa thứ hai lên sóng với tiết mục mash – up: Ngọn lửa cao nguyên, Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột, Đôi mắt Pleiku.

Ở tiết mục này, các thành viên F Band đã mặc áo của người Tây Nguyên cho phù hợp với tinh thần bài hát, nhưng điều đáng nói, là họ dùng chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái Tây Bắc biến tấu thành chiếc khố đóng ở phía dưới, thay vì sử dụng một chiếc khố đúng trang phục của người Tây Nguyên.

Sự việc này khiến nhiều người thấy phản cảm, đặc biệt là những người Thái ở Tây Bắc hết sức phẫn nộ.
dùng khăn piêu làm khố
Thí sinh dùng khăn Piêu người Thái làm khố người Tây Nguyên 
Tiết mục Lấy khăn Piêu của người Thái làm khố của người Tây Nguyên gây bức xúc của F Band:


Ông Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam; giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, ông cho biết, chiếc ‘khố’ mà các thành viên trong nhóm nhạc đóng thực chất là chiếc khăn Piêu của phụ nữ Thái.

'Không thể lai căng bằng cách dùng chiếc khăn đội đầu của dân tộc này biến thể thành chiếc khố của dân tộc khác. Tôi không hiểu họ nghĩ gì khi kết hợp như vậy?

Phụ nữ Thái thường dùng chiếc khăn Piêu để đội đầu, nó là một phần văn hóa tinh thần của phụ nữ nơi đây.

Câu chuyện quanh chiếc khăn Piêu mang rất nhiều ý nghĩa, không chỉ là thước đo đánh giá người phụ nữ tài hoa siêng năng hay vụng dại, lười nhác, mà chiếc khăn Piêu còn là cầu nối đời sống tình cảm của các cô gái và chàng trai người dân tộc Thái.

Đây là một lỗi sai trầm trọng về kiến thức, nếu không muốn nói là sự phản văn hóa'.


Hay trong đêm bán kết 4 Vietnam's Got Talent phát sóng tối 11/1/2015, Trần Tấn Phát uống đúng chiếc ly chứa axit - dung dịch gây chết người ngay trên sóng truyền hình trực tiếp.

Sự cố gây ảnh hưởng đến tính mạng thí sinh này đã khiến dư luận 'dậy sóng' vì sự cẩu thả của nhà sản xuất.
thí sinh uống nhầm axit
Trần Tấn Phát uống nhầm axit trên sân khấu trực tiếp.
Cũng ít người quên được, sân khấu của Giọng hát Việt nhí đã bị sập ngay trong tiết mục mở màn cách đây chưa lâu.
Sân khấu The Voice Kids bị sập
Sân khấu The Voice Kids bị sập 
Khi thí sinh Hà Trang đang trình diễn ca khúc Đóng nhanh lúa tốt thì sân khấu bất ngờ sụp xuống một mảng khiến người quay phim bị rơi xuống phía dưới. Tiếp đến, 2 vũ công nhí khác cũng bị rơi theo khiến cho nhiều người phải bàng hoàng.

Quỳnh Anh nói được 6 thứ tiếng bị loại khỏi Vietnam's Got Talent và những hệ lụy đáng buồn một cô bé mới lớn phải chịu khi tham gia sân chơi giải trí, việc dàn xếp kết quả ồn ào Giọng hát Việt vẫn còn được nhắc tới như những vết thương chưa khép miệng.


Luôn luôn là “sự cố đáng tiếc”, nhưng cũng sẽ luôn luôn có những “sự cố đáng tiếc” được lặp đi lặp lại, bởi hiệu quả truyền thông của nó thật rõ ràng.

Vậy câu hỏi cuối cùng là, điều nhà sản xuất muốn truyền tải tới người xem là gì? Giá trị cốt lõi nằm ở đâu? Hay cứ đều đều lên sóng, sôi sùng sục bởi một cô gái xinh đẹp thực chất là chàng trai chuyển giới, ồn ào bởi những điều đáng tiếc để rồi chi phí quảng cáo tăng lên chóng mặt sau mỗi tập phát sóng.

Và với những mục đích ấy, thì ý kiến “ngừng chiếu càng sạch sóng”, dường như cũng không phải quá đáng.

Thuần Vũ
Bình luận
vtcnews.vn