Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, thực trạng những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân (TTCN) của người tiêu dùng (NTD), đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp, càng trở nên phổ biến với những thủ đoạn tinh vi và gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng tới bản thân NTD mà còn gây ra cả những tổn thất kinh tế cho xã hội.
Các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam về bảo vệ TTCN của NTD phổ biến ở nước ta hiện nay chủ yếu bao gồm:
1. Thu thập và sử dụng trái phép TTCN của NTD
Theo báo cáo kết quả tình hình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại năm 2019 do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) công bố, chiếm đến 36% trong tổng đơn thư khiếu nại gửi đến Cục là hành vi doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của NTD. Năm 2020, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên số liệu này có xu hướng giảm còn 10.4%.
Nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của NTD, không ghi nhận yêu cầu chỉnh sửa thông tin của NTD dẫn đến việc tiếp tục sử dụng thông tin của NTD vào các mục đích xâm phạm quyền lợi của họ.
2. Hành vi đánh cắp TTCN của NTD
Năm 2018, thành viên Erwincho của diễn đàn Raidforums đã đăng tải thông tin được cho là dữ liệu của hơn 5,4 triệu khách hàng Thế giới di động. Những thông tin bị rò rỉ bao gồm địa chỉ email, lịch sử giao dịch và thậm chí cả số thẻ ngân hàng. Mặc dù không công bố chi tiết về cách thức khai thác lỗ hổng, nhưng các thông tin được chia sẻ công khai trên các trang chia sẻ tập tin mà mọi người dùng đều có thể tải về sử dụng.
Năm 2019, trong trao đổi với ICTnews, các chuyên gia bảo mật hàng đầu của Việt Nam nhận định rằng, một vấn đề nổi cộm trong bức tranh an toàn, anh minh mạng Việt Nam trong năm vừa qua là tình trạng người dùng bị rò rỉ TTCN.
Đơn cử như, tổng hợp lĩnh vực an toàn thông tin Việt Nam năm 2019, Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) đã chọn sự cố rò rỉ 2 triệu dữ liệu khách hàng của một ngân hàng tại Việt Nam là một trong 5 sự kiện, hoạt động nổi bật (Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam, mất an toàn thông tin cá nhân trên mạng đang là vấn đề đáng lo ngại). Tiếp diễn trong năm 2020, nhiều dữ liệu thông tin của NTD bị đăng công khai trên mạng.
3. Mua bán TTCN của NTD
Các dữ liệu thông tin về NTD được mua đi bán lại nhiều lần dưới các dạng dịch vụ trên các trang web,... rất nhiều gói dịch vụ mua thông tin khách hàng được bán công khai.
Trên thực tế, NTD cung cấp TTCN của mình khi tham gia mua bán, hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử thường không hề biết đến nguy cơ thông tin của mình có thể bị biến thành một loại hàng hóa gọi là “thông tin công cộng” được mua bán, trao đổi tràn lan. Đến khi hậu quả xảy ra, NTD mới ý thức được rằng TTCN mà mình cung cấp trong các giao dịch có thể là nguồn cơn của những rắc rối mà họ đang gặp phải.
4. Quấy rối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NTD
Nhiều NTD bị gọi cả trăm cuộc gọi chỉ để nghe quảng cáo về sản phẩm nào đó. Không chỉ vậy, đối tượng vi phạm còn có thể lợi dụng các TTCN để lừa đảo. Hàng loạt vụ lừa đảo qua điện thoại hay các thư mời dự chương trình tặng quà miễn phí của công ty nào đó đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ.
Do vậy, trong quá trình giao dịch, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán hàng trực tiếp, NTD cần thận trọng và cảnh giác khi đối phương yêu cầu cung cấp TTCN để tránh gặp những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Bình luận