Hội nghị Quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM 2) có sự tham gia của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), diễn ra trong hai ngày 17-18/5 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch SOM, ông Bùi Thanh Sơn, khẳng định: "Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới, với động lực tăng lên".
Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng tương lai ngắn hạn của khu vực sẽ bị bao phủ bởi những bất ổn và thách thức lớn. "Điều này đòi hỏi các hoạt động kinh tế riêng lẻ phải được hỗ trợ bởi hợp tác đa phương, cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển trong khi thúc đẩy cải cách cơ cấu, sự bền vững và bao trùm".
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các ưu tiên đã thông qua của APEC, thúc đẩy các sáng kiến mới và chuẩn bị cho Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại (MRT) sắp diễn ra.
SOM 2 cũng đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017, có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017.
Bộ Ngoại giao cho biết khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có các bộ trưởng phụ trách về vấn đề thương mại và phát triển nguồn nhân lực của các thành viên APEC, tham gia hội nghị lần này.
Qua 27 năm hình thành và phát triển kể từ 1989, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; Thuận lợi hóa kinh doanh; và Hợp tác kinh tế - kỹ thuật.
APEC là diễn đàn mở, hoạt động theo nguyên tắc cùng lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Kể từ khi thành lập, APEC đã trải qua 4 đợt mở rộng và hiện có 21 nền kinh tế thành viên, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 11/2016, APEC đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.
Bình luận