Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có các Bộ trưởng phụ trách về vấn đề thương mại và phát triển nguồn nhân lực của các thành viên APEC, dự kiến tham gia hội nghị lần này.
Lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực có uy tín, như Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Avezedo, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, nguyên Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy… cũng đã nhận lời tham dự các hội nghị với tư cách khách mời.
SOM 2 và các cuộc họp liên quan, đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, và Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23)… là những sự kiện quan trọng diễn ra từ ngày 9 đến 21/5 ở Hà Nội.
Các hội nghị lần này đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017, có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017.
Một dấu ấn quan trọng trong dịp này là Đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, được tổ chức vào ngày 16/5, nhằm triển khai chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo APEC năm 2016. Kết quả của Đối thoại sẽ là cơ sở để các nhà Lãnh đạo APEC trao đổi về định hướng phát triển của Diễn đàn từ nay đến năm 2020 và những thập kỷ tiếp theo vào tháng 11 năm nay.
Hội nghị các Bộ trưởng APEC phụ trách Thương mại lần thứ 23 (MRT 23) sẽ diễn ra từ 20 - 21/5. Đây là một trong những Hội nghị Bộ trưởng thường niên của APEC nhằm thúc đẩy thảo luận và xây dựng định hướng cho các lĩnh vực hợp tác then chốt của Diễn đàn.
Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) – một trong ba quan sát viên chính thức của APEC sẽ tổ chức cuộc họp Ủy ban điều hành và Hội nghị toàn thể với chủ đề "Tầm nhìn quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21". Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị toàn thể của PECC kể từ khi trở thành thành viên năm 1994.
Các quan chức cao cấp sẽ nhóm họp trong hai ngày 17 - 18/5 để rà soát tiến độ triển khai các trọng tâm, kế hoạch công tác đề ra tại Hội nghị SOM 1 và thảo luận hướng nội dung của các văn kiện chính của Năm APEC 2017.
Sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với Năm APEC 2017 sẽ là một đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy “sức mạnh mềm".
Bình luận