Sáng 5/9, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị cấp cao liên quan với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm Tăng trưởng” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (JCC) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo.
Chuỗi hội nghị lần này thu hút sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên, Timor Leste với tư cách quan sát viên, 9 nước đối tác đối thoại, đồng thời là các nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ), 2 quốc gia khách mời là Bangladesh và Quần đảo Cook, cùng 9 tổ chức quốc tế.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự các sự kiện.
Diễn ra từ ngày 5-7/9 với 12 cuộc họp cấp cao, hội nghị tập trung thảo luận 4 trọng tâm chính, bao gồm thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.
Một trong những văn kiện quan trọng nhất dự kiến được các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét thông qua tại kỳ hội nghị lần này là Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV.
Đây là sáng kiến của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023 và sẽ đóng vai trò là nền tảng cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045, giúp củng cố ASEAN để giải quyết các thách thức khác nhau trong tương lai.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận và thống nhất một số nội dung bao gồm Quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các hội nghị cấp cao ASEAN, nhất là trong các tình huống khủng hoảng, sự cần thiết tăng cường các hoạt động ngoại giao tại Jakarta - nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN (ASEC), tăng cường vai trò của Tổng Thư ký ASEAN và gia tăng nguồn kinh phí đóng góp.
Trên khía cạnh kinh tế, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, chuỗi cung ứng, cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế biển xanh.
Trong khuôn khổ hội nghị, chủ nhà Indonesia cũng tổ chức Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF), tập trung vào 3 chủ đề thời sự là cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; chuyển đổi kỹ thuật số và kinh tế sáng tạo; tài chính đổi mới và bền vững.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận tình trạng bất ổn dân sự kéo dài ở Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine và tình hình Biển Đông.
Dự kiến, khoảng 50 văn kiện sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận và thông qua, liên quan đến nhiều vấn đề, nội dung xuyên suốt trong cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội.
Bình luận