Dự buổi lễ có Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và phu nhân, về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Dương Hoàng Hương - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Đỗ Ngọc Dũng - Ủy viên UBND tỉnh - Giám đốc Sở Ngoại vụ; Trần Thị Huyền - Phó Giám đốc Sở Y tế; Trần Quyết Chiến - PGĐ Sở Ngoại vụ; Phạm Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Dương Hoàng Hương - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định, khoản viện trợ dự án "Lắp chân giả cho người khuyết tật tỉnh Phú Thọ" là khoản viện trợ nằm trong nội dung Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang đến Ấn Độ tháng 3/2018. Đây là một trong các nội dung hợp tác hữu nghị quan trọng giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2018 này.
Đây là hoạt động xã hội, nhân đạo rất có ý nghĩa. Càng có ý nghĩa hơn khi khoản viện trợ này được triển khai vào đúng dịp tháng 7, khi mà các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung đang có những hoạt động thiết thực hưởng ứng tháng đền ơn đáp nghĩa, nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018.)
Đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Sở Y tế; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ; Sở Ngoại vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Ấn Độ, nhà tài trợ để tổ chức triển khai dự án một cách tốt nhất.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cho biết, ý tưởng tổ chức Trại lắp chân giả cho người khuyết tật đã nhận được sự ủng hộ của bà Nguyễn Thị Hiền, phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước tại Ấn Độ, bà Nguyễn Thị Hiền đã đến thăm Trung tâm Jaipur Foot của BMVSS và bày tỏ nguyện vọng muốn có một chương trình giúp người khuyết tật Việt Nam có thể hồi phục chức năng nhờ chân giả Jaipur.
Ông Parvathaneni Harish khẳng định, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ rất vui mừng khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà dự án lắp đặt chân giả Jaipur được thực hiện theo hiệp định ký kết giữa Bộ Ngoại giao Ấn Độ và tổ chức BMVSS vào tháng 11/2017. Dự án được triển khai sẽ giúp những thương binh, bệnh binh, người khuyết tật có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
Được biết, BMVSS là tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ người tàn tật, giúp họ phục hồi khả năng di chuyển. Trong suốt hơn 4 thập kỷ qua, tổ chức này đã giúp hơn 1,71 triệu người khuyết tật tại Ấn Độ và 26.000 người khuyết tật tại 29 quốc gia trên thế giới phục hồi khuyết tật thông qua dự án lắp chân giả miễn phí.
Sau hơn 1 năm tiến hành khảo sát, theo dõi, được sự đồng ý của Bộ Y tế, UBND tỉnh Phú Thọ, các chuyên gia BMVSS phối hợp với Tập đoàn Spark Minda chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ làm nơi tiến hành lắp đặt trên hơn 200 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với kinh phí hỗ trợ khoảng 7 triệu đồng/người.
Ngoài việc hỗ trợ về cơ sở vật chất, cử đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ hỗ trợ trong 20 ngày diễn ra lắp đặt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra định kỳ cho những người khuyết tật được lắp đặt chân giả thuộc dự án.
Sau chương trình khai mạc, các đại biểu đã đi thăm Trại lắp chân giả Jaipur Foot tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Bình luận