• Zalo

Khai giảng ở 'lớp đình chùa' trung tâm Thủ đô

Giáo dụcThứ Sáu, 05/09/2014 10:36:00 +07:00Google News

Không chỉ ở miền núi mới có lớp ghép mà ngay giữa Thủ đô, một số trường học đang phải học nhờ ở đình chùa.

Không chỉ ở miền núi mới có lớp ghép mà ngay giữa Thủ đô, một số trường học đang phải học nhờ ở đình chùa.

Cổng đình là cổng trường

Loanh quanh trong con ngõ bé xíu chỉ vừa 2 xe máy đi lại, chúng tôi tìm được Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình). Trong khuôn viên gần 1.000m2, cả trường học và đình làng Kim Mã Thượng cùng chung địa điểm. Cận ngày khai giảng và cũng không phải ngày rằm, mùng 1 nên đình Kim Mã Thượng đóng cửa im ỉm. Chỉ có tiếng trống khai giảng của các em học sinh trong sân trường đang vang lên rộn ràng.
khai giảng
Trường THCS Tứ Liên ngay trong khuôn viên đình Tứ Liên. Ảnh: TL 
Cô Vũ Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, từ năm 1960 đến nay, trường vẫn phải chung địa điểm với đình làng. Trường nằm sâu trong làng, khuôn viên chật hẹp nên muốn có một lễ khai giảng hoành tráng như các nơi khác cũng không thể được. Tuy vậy, Ban giám hiệu vẫn cố gắng tổ chức một lễ khai giảng gọn nhẹ, dành một khoảng sân be bé (khoảng 40- 50m2) cho học sinh đứng hai bên để đón các em lớp 1 mới vào.

Cô Hoa cho biết, năm nay trường có hơn 500 học sinh/11 lớp, trung bình 46 học sinh/lớp. Học sinh ngày càng đông nhưng địa điểm thì không thể “nở” ra. Trường có 4 phòng học mái tôn nhưng không thể sửa chữa hoặc nâng cấp vì không được phép vượt chiều cao so với đình làng. Trước đây, vào mùa hè nóng quá, nhà trường phải lắp dàn phun sương ở 4 phòng học mái tôn. Tuy nhiên vài năm nay, các phòng học này đã được trang bị 2 máy điều hòa/phòng nên mát mẻ hơn nhiều. Vì quỹ đất ít nên các phòng chuyên môn của nhà trường cũng thiếu, còn học sinh thì bị hạn chế sân chơi, sân thể dục…

Cô Hoa cho biết: “Các cụ ở đình rất quan tâm đến các cháu nhưng do học chung nên có nhiều bất tiện. Để cùng hoạt động trong một khuôn viên nhỏ hẹp, chúng tôi và tổ đình cũng phải thống nhất với nhau: Khi đình có lễ hội chính của năm, trường phải có công văn lên quận cho học sinh nghỉ học.

Còn với những ngày lễ nhỏ, các cụ phải tiến hành cúng bái ngoài giờ để cho các cháu có điều kiện tập trung học. Tiền vàng mã, các cụ không cho khách đốt trong ngày mà thu lại để hóa vào buổi tối kẻo ảnh hưởng đến học sinh”. Đặc biệt, theo cô Hoa, chậm nhất là đầu năm 2015, trụ sở mới của trường tại vị trí khang trang trên phố Liễu Giai (quận Ba Đình) với tòa nhà 6 tầng sẽ được khởi công xây dựng.
 
Trường và đình… nhường nhau

Trong cảnh học chung với đình làng, Trường THCS Tứ Liên (quận Tây Hồ) may mắn có khuôn viên thoáng đãng hơn. Tuy nhiên, 9 lớp học của trường (gần 300 học sinh) vẫn đang nương nhờ cửa đình Tứ Liên. “Cổng đình là cổng trường, sân đình cũng là sân trường. Chúng tôi giáo dục học sinh không được làm ảnh hưởng đến đình làng và ngược lại, các cụ ở đây cũng rất quan tâm đến các cháu”, cô Nguyễn Thị Kim Xuân - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

khai giảng
Trường THCS Tứ Liên phải tận dụng hành lang chứa đồ dùng học tập.  
Theo quan sát của chúng tôi, Trường THCS Tứ Liên có khuôn viên mát mẻ, nhiều cây lưu niên, phòng học mát. Giữa sân trường, học sinh đang tập văn nghệ cho lễ khai giảng. Tuy nhiên, do thiếu diện tích nên trường phải tận dụng hành lang ngay cầu thang để làm phòng đồ dùng học tập.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Xuân, trường thành lập từ hồi chống Pháp, mượn địa điểm của đình để mở lớp và mượn luôn cho đến bây giờ. Cả trường và đình hoạt động vui vẻ vì vẫn phải “nhường” nhau. Chẳng hạn, ngày thứ Hai chào cờ nếu trùng với ngày rằm hoặc mùng một thì trường phải nhường đình vì các em không đứng quay lưng vào chính điện. Ngược lại, nếu lễ khai giảng đúng vào mùng một hoặc ngày rằm, đình sẽ nhường nhà trường.

Cô Xuân cũng cho biết, hàng năm, trường có khoảng 70% học sinh đỗ vào THPT công lập trên địa bàn, đứng thứ 4 toàn quận. Bàn ghế học sinh của trường năm nay được thay mới 100%. “Với vị thế mượn cửa đình nên nhiều khi trường cũng bị thiệt thòi, nhất là thiếu các phòng chức năng cho học sinh hoặc khó khăn trong việc xét tặng danh hiệu - cho dù trường có thành tích chăng nữa.

Đặc biệt, khi chúng tôi đi dự khai giảng ở các trường lớn trên địa bàn, trong tâm cũng thấy đôi chút tủi thân vì đang phải học nhờ, học ghép. Vì vậy,  mong muốn được chuyển địa điểm của học sinh và phụ huynh nhà trường là rất chính đáng”, cô Xuân chia sẻ. Được biết, kế hoạch xây trường mới cho Trường THCS Tứ Liên đã được phê duyệt nhưng do vấn đề giải phóng mặt bằng chưa xong nên trường vẫn chưa có cơ sở riêng.

Theo Lương Mỹ/Giadinh.net
Bình luận
vtcnews.vn