• Zalo

'Khách sạn bay' Boeing 787 bị cấm ở nhiều nước

Kinh tếThứ Năm, 17/01/2013 03:10:00 +07:00Google News

Sau nhiều sự cố hỏa hoạn khiến các hãng hàng không phải hạ cánh khẩn cấp, siêu máy bay của Boeing đã bị cấm hoạt động tại Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Chile.

Sau nhiều sự cố hỏa hoạn khiến các hãng hàng không phải hạ cánh khẩn cấp, siêu máy bay của Boeing đã bị cấm hoạt động tại Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Chile.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) vừa quyết định cấm tất cả máy bay dòng 787 Dreamliner của Boeing cất cánh cho đến khi hãng này chứng minh được các loại pin lithium-ion được sử dụng là "an toàn và đúng tiêu chuẩn".

Đây là lần đầu tiên sau 34 năm cơ quan này ra lệnh cấm với toàn bộ một dòng sản phẩm. Thông báo được đưa ra chỉ 5 ngày sau khi Bộ trưởng Giao thông Mỹ Ray LaHood khẳng định loại máy bay này an toàn.

Chiếc Boeing 787 của ANA sau khi phải hạ cánh khẩn cấp vài ngày trước. Ảnh: Bloomberg 

Ngày hôm qua (16/1), hai hãng hàng không Nhật Bản là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines cũng đã dừng toàn bộ hoạt động của 24 chiếc Boeing 787, sau khi phát cảnh báo về sự cố pin buộc các phi công của ANA hạ cánh khẩn cấp vài ngày trước. Đây đã là sự cố thứ 6 xảy ra trong 10 ngày qua với "giấc mơ bay" 787 được Boeing quảng cáo là có thiết kế, hệ thống và vật liệu vượt trội.

Lệnh cấm tại Mỹ chỉ có hiệu lực với 6 máy bay, tất cả đều của hãng United Continental Holdings. Tuy nhiên, cả Nhật, Ấn Độ và Chile đều đã ban lệnh cấm máy bay này hoạt động tại nước mình. United Continental cho biết sẽ tuân thủ đúng lệnh cấm của FAA và làm việc với Boeing về "hướng khắc phục sự cố". Hành khách trên các chuyến bay bằng Boeing 787 cũng sẽ được chuyển sang máy bay khác.

Trước sự cố ngày hôm qua của ANA, Mỹ cũng đang điều tra về vụ cháy xảy ra ngày 7/1 tại Boston (Mỹ) khi máy bay của Japan Airlines bốc cháy và phải hạ cánh khẩn cấp tại đây. Pin phụ trợ trên Boeing 787 gặp sự cố và khiến các lính cứu hóa phải mất 40 phút để dập lửa.

FAA cho biết: "Sự cố ở pin đã giải phóng các chất điện phân dễ bén lửa, làm máy bay nóng lên và bốc khói. Nếu không khắc phục, việc này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống, cấu trúc máy bay và gây hỏa hoạn".

Sau thông báo của FAA, cổ phiếu của Boeing trên sàn chứng khoản New York đã giảm 1,9% xuống còn 72,8 USD. Đây là mức giảm lớn thứ hai của hãng này, sau 3,4% ngày 1/6 năm ngoái.

Ra mắt năm 2011, Boeing 787 là loại máy bay phản lực, hai động cơ, cỡ trung. Nó được mệnh danh là "giấc mơ bay" hay "khách sạn bay" nhờ được quảng cáo tiết kiệm 20% nhiên liệu so với Boeing 767 cùng kích cỡ, sử dụng vật liệu composite bền, nhẹ cùng tính năng chống ồn động cơ. Boeing còn dự định tăng gấp đôi sản xuất trong năm nay để đáp ứng số đơn đặt hàng 787 đã lên tới 800. Hiện trên thế giới có 50 chiếc Boeing 787 hoạt động.

Từ 2005, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã đàm phán hợp đồng mua loại máy bay khổng lồ này. Hai năm sau, Công ty cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) ký hợp đồng với Boeing để mua 8 chiếc trị giá hơn 1,4 tỷ USD, giao hàng đợt đầu tiên vào năm 2016.

787-8 Dreamliner thuộc dòng 787 với sức chứa 250 chỗ ngồi, tầm bay 15.200 km, phù hợp với những chuyến bay đường dài liên tục và hiện có giá 207 triệu USD.

Theo VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn