• Zalo

Khách quốc tế đến VN phục hồi chậm, ngành du lịch nghiên cứu miễn thị thực

Thị trườngThứ Tư, 15/11/2023 11:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngành du lịch sẽ nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho du khách từ thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu, đặc biệt vào mùa thấp điểm.

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững sáng 15/11.

Theo đó, ông Hùng cho biết, trong thời gian tới, nhằm tranh thủ tốt các thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức, tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch, Bộ VHTT&DL sẽ nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ...Mục đích là kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm.

Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: VGP)

Đồng thời, xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.

Tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình xin cấp thị thực điện tử, đảm bảo giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác, hiển thị thông báo cụ thể về thời gian trả kết quả thị thực.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các hãng hàng không quốc tế hàng đầu để xúc tiến mở các đường bay mới và tăng tần suất các chuyến bay thẳng hiện có giữa các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và các thành phố cấp 1, cấp 2 của các thị trường khách du lịch mục tiêu.

Đồng tình với những đề xuất trên, đại diện Tập đoàn Vingroup cũng cho rằng, Việt Nam rất cần có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Đồng thời, cần nâng cao tỉ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh.

Đại diện Tạp đoàn Vingroup phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

Đại diện Tạp đoàn Vingroup phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

Trong khi đó, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings đề xuất Chính phủ, các bộ ngành đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.

Giải pháp để VN thành điểm "phải đến" tại châu Á

Nhận định về thị trường du lịch Việt Nam, đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, năm 2023, thế giới đối diện với nhiều bất ổn. Du lịch Việt Nam cũng thế. Thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo.

Đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á.

Để du lịch Việt Nam thực sự khởi sắc, nỗ lực đơn lẻ của các doanh nghiệp là chưa đủ và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, đại diện Vingroup đề xuất Việt Nam cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn...

Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặt biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.

Xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia.

Bên cạnh đó, cần có chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.

Cũng đưa ra các giải pháp để du lịch Việt Nam đột phá, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings đề xuất hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hoá, ẩm thực, nghỉ dưỡng…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings. (Ảnh: VGP)

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings. (Ảnh: VGP)

"Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia.

Trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, rất mong Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch.

Vietjet sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho hàng không du lịch và chúng ta hãy cùng hành động để tương lai ấy đến gần hơn", bà Thảo đề xuất.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề xuất hàng loạt giải pháp cụ thể để du lịch Việt Nam thật sự đột phá.

Ví dụ sớm thực hiện điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới, giúp các doanh nghiệp du lịch giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.

Đề xuất kéo dài thời gian nộp thuế VAT thêm 12 - 24 tháng, hoãn thời gian nộp tiền thuê đất. Xem xét, giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch theo nguyên tắc lãi suất cho vay không cao quá 3% so với lãi suất gửi.

Nới lỏng quy định cho vay của các ngân hàng thương mại cho các khoản vay vốn lưu động. Gia hạn các khoản vay bị tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19.

Xem xét, tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động kinh doanh du lịch trên đất nông nghiệp và đất trang trại. Mở rộng danh sách các thành phố thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm.

Bộ VHTT&DL đề xuất các chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế; chính sách thuế đất phù hợp đối với các khu du lịch; chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng gắn với du lịch, khuyến khích hợp tác công - tư trong đầu tư và vận hành sân bay, bến cảng du lịch; các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các công viên chủ đề, công trình văn hóa, tổ hợp vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ...

Du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có khởi sắc hơn, đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt.

Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn